Nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế
Sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Cần thiết ban hành Luật
Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế. Theo đó, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/4/2007 (Pháp lệnh 2007) đã thực hiện tốt vai trò là cơ sở pháp lý cho việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Pháp lệnh 2007 cũng cho thấy có một số bất cập về mặt pháp luật và thực tiễn.
Cụ thể, một số quy định mới liên quan đến ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong một số luật được ban hành sau này khiến cho các quy định của Pháp lệnh 2007 không còn phù hợp. Thực tiễn trong những năm qua, mặc dù chưa được Pháp lệnh điều chỉnh nhưng đã nảy sinh nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở tất cả các cấp như Cục, Tổng cục, các cơ quan chuyên môn của UBND, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam... Ngoài ra, Pháp lệnh 2007 chưa quy định trình tự rút gọn cho trường hợp gấp để phục vụ yêu cầu đối ngoại; cũng chưa quy định trình tự đề xuất, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế của nhiều bộ, ngành, hoặc tỉnh, thành phố.
Việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, bảo đảm triển khai, quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm, nguồn vốn của các nước, tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 53 điều.
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế theo Tờ trình của Chính phủ; đánh giá dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Cân nhắc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế
Vấn đề mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu, chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định. Do đó, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm, thời gian qua, tại các tỉnh biên giới, việc kết nghĩa đồn, trạm biên phòng, kết nghĩa thôn, bản đã củng cố, nâng cao quan hệ Việt Nam với nước láng giềng. Tuy nhiên, quy định cấp nào được ký thỏa thuận quốc tế thì cần xem xét thêm. Nếu quy định đến cấp xã tác động như thế nào? Chính quyền cấp xã không có bộ máy giúp việc, đặc biệt các xã miền núi, khó khăn, năng lực cán bộ còn hạn chế. Chủ tịch Hà Ngọc Chiến đề nghị, chỉ UBND cấp huyện trở lên mới được ký thỏa thuận quốc tế.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định, nếu mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế đến cấp xã thì quá "dễ dãi". Bởi, quan hệ quốc tế rất nhạy cảm, vì thế, văn bản, câu chữ phải chặt chẽ. Trong khi đó, cấp xã không có cơ quan chức năng có đầy đủ năng lực, kiến thức, trình độ tham mưu cho lãnh đạo trong công tác đối ngoại. "Ngay cả cấp huyện nếu ký thỏa thuận quốc tế phải báo cáo xin ý kiến cấp tỉnh và tỉnh phải là cơ quan chịu trách nhiệm nếu cấp huyện làm sai", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế vì dễ tạo nên sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam.
Về phía Quốc hội, dự thảo Luật quy định chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế chỉ là cơ quan của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc Uông Chu Lưu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy định như vậy chưa bao quát hết các chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Quốc hội. Cụ thể là chưa quy định các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, Tờ trình của Chính phủ có nêu, từ năm 2007-2019, có hơn 3.000 văn bản hợp tác quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh các đơn vị trực thuộc, trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể hiện đối tượng chủ thể này vì thế cần xem xét bổ sung trong dự thảo Luật.