Nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp
PTĐT - Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với nông dân...
PTĐT - Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng.Sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng về diện tích và sản lượng. Hiện nay, toàn tỉnh bước đầu hình thành và phát triển được 22 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên rau, quả, chè, thịt; có 33 hợp tác xã, 115 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn đã liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với 42 doanh nghiệp. Giá trị sản phẩm liên kết sản xuất và tiêu thụ chiếm khoảng 5,5% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm vào hệ thống siêu thị như: Big C, Coop mart, Vinmart... Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc - Phú Thọ, xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa là đơn vị trực tiếp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. HTX liên kết các nông hộ và các trang trại chăn nuôi tuân thủ quy trình sản xuất an toàn sinh học hình thành chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm sạch tới người tiêu dùng. Hiện nay, HTX có 50 hộ sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn, được chia thành các tổ sản xuất: Rau, hoa quả, chăn nuôi, thủy sản. Ông Bùi Đức Tuyển - Giám đốc HTX cho biết: HTX chú trọng hướng dẫn các hộ sản xuất đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm trong từng công đoạn, xác định liên kết theo chuỗi là xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn cho người tiêu dùng. HTX đang thực hiện xây dựng thương hiệu nông sản sạch, tiến tới mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ, sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm bước đầu có chỗ đứng trên thị trường. Trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm có liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã được hỗ trợ về giống, kỹ thuật cũng như được đầu tư cho quy trình sản xuất, chế biến giúp xây dựng thương hiệu chuẩn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ về bao bì, tem điện tử, quảng bá và truy xuất nguồn gốc cho một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi. Chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc sẽ tạo ra sự khác biệt của nông sản an toàn đối với các sản phẩm thông thường khác. Người tiêu dùng dễ nhận biết và lựa chọn các sản phẩm mong muốn thông qua lô gô nhận diện sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Nếu thiếu liên kết sản xuất, sản phẩm nông nghiệp dễ gặp rủi ro do thời tiết, sâu bệnh cùng với đó là việc không chủ động được về đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế nhất định. Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát nên chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung, lượng sản phẩm đủ lớn, ổn định. Mặt khác, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ và có độ đồng đều không cao; tình trạng tiêu thụ nông sản qua nhiều khâu trung gian gây khó khăn cho việc nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi và giá bán thực tế bị đội lên cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Ngoài ra, một khó khăn nữa trong hình thành chuỗi là khâu tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp cung ứng, phân phối nông sản chưa phủ rộng được thị trường nội địa và hạn chế trong xuất khẩu. Các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá bán với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người sản xuất để mở rộng và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi. Một số loại nông sản đã có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường nhưng mới dừng lại ở việc sơ chế và tiêu thụ, chưa có chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm thương mại.Để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, cần phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.