Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ
Bắc Trung Bộ là tiểu vùng có vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, nhất là an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Những năm qua, liên kết phát triển tiểu vùng đã mang lại kết quả ban đầu, song so với tiềm năng và lợi thế thì còn nhiều hạn chế, cần có cơ chế cũng như tháo gỡ khó khăn.
Bắc Trung Bộ là tiểu vùng có kết cấu hạ tầng về giao thông hoàn thiện, đồng bộ nhất ở nước ta với trục giao thông bắc nam về đường sắt, đường bộ; kết nối với nước bạn Lào qua các cửa khẩu biên giới, là mắt xích quan trọng hình thành các hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.
Liên kết giữa hai địa phương liền kề
Ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010. Nghị quyết 39-NQ/TW và quy hoạch của Chính phủ chia vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thành ba tiểu vùng, trong đó, tiểu vùng Bắc Trung Bộ bao gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Dân số của tiểu vùng năm 2020 khoảng 9,8 triệu người (chiếm 10,1% dân số cả nước). Đây là khu vực có vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, nhất là an ninh biển, đảo của đất nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên kết kinh tế vùng là liên kết các ngành kinh tế mang tính hợp tác bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương có những nét tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Qua đó phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Thực tế cho thấy, thời gian qua, liên kết tiểu vùng Bắc Trung Bộ chủ yếu là liên kết giữa hai hoặc ba địa phương liền kề.
Những năm qua, hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã phối hợp lập quy hoạch liên kết khu vực kinh tế nam Thanh Hóa-bắc Nghệ An, gắn không gian Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi (Nghệ An) với Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Các khu công nghiệp này bước đầu đã phát triển một số dự án công nghiệp động lực quy mô lớn như: sản xuất tôn thép, xi-măng... Các cơ sở du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục được đầu tư xây dựng. Vùng nam Thanh Hóa-bắc Nghệ An đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm như tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu cùng tuyến đường ven biển tạo sự liên kết vùng.
Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp Bộ Xây dựng lập quy hoạch xây dựng vùng nam Nghệ An-bắc Hà Tĩnh đến năm 2025, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 21/11/2011. Đến nay, vùng nam Nghệ An-bắc Hà Tĩnh đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm như cầu Yên Xuân nối huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) với huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh); cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam cùng với tuyến đường bộ ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đường cao tốc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển trục kinh tế động lực chính của hai địa phương và khu vực. Tại Hà Tĩnh hiện có 36 dự án của doanh nghiệp và nhà đầu tư Nghệ An với tổng vốn đăng ký hơn 7.500 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án đã hoàn thành với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Nghệ An thì thu hút được 5 dự án đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh với tổng vốn đăng ký 448 tỷ đồng.
Cùng với mục tiêu liên kết đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng nam Hà Tĩnh-bắc Quảng Bình đến năm 2030 với mục tiêu tạo ra không gian liên kết kinh tế tại khu vực này và đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng-an ninh của khu vực và quốc gia. Đây là vùng kinh tế tổng hợp, động lực phát triển của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, vùng Bắc Trung Bộ với tiềm năng lớn về phát triển cảng nước sâu và công nghiệp nặng; là đầu mối và cửa ngõ trao đổi thương mại với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu quốc gia Cha Lo.
Bên cạnh đó, Quảng Trị là địa phương nằm tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm miền trung và là điểm đầu của tuyến hành lang kinh tế đông-tây có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch và thu hút đầu tư. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, Nguyễn Đăng Quang cho biết, Quảng Trị đang tập trung định hướng xây dựng và phát triển các trục kinh tế kết nối Khu kinh tế Đông Nam với hành lang kinh tế đông-tây và Khu kinh tế-thương mại đặc biệt Lao Bảo; từng bước hình thành hành lang đường bộ từ cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng nước sâu Mỹ Thủy kết nối với các tỉnh nam Lào và đông bắc Thái Lan.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, các địa phương trong tiểu vùng đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ thành các kế hoạch, đề án và hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trên địa bàn. Qua đó, tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng của tiểu vùng giai đoạn 2016-2020 đạt 7,58%. Đảng bộ và chính quyền các địa phương có nhiều nỗ lực vươn lên, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, về nguồn lực con người để phát triển. Một số tỉnh đã trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội.
Thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng
Tại cuộc Tọa đàm: "Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới" do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức trong tháng 8/2022, cùng với những kết quả đạt được bước đầu, lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và các tỉnh đã nêu lên nhiều khó khăn, hạn chế trong liên kết phát triển kinh tế của tiểu vùng. Các đại biểu có chung nhận định, về cơ bản, tiểu vùng Bắc Trung Bộ vẫn còn là vùng đất nghèo, thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai và biến đổi khí hậu, một số vùng dân cư phía tây còn nghèo đói, lạc hậu. Lợi thế cạnh tranh, môi trường đầu tư chưa thật sự hấp dẫn cho nên nguồn lực phát triển xã hội và đầu tư kết cấu hạ tầng của các địa phương trong vùng chưa đáp ứng đủ và kịp thời cho các mục tiêu phát triển. Việc liên kết giữa các địa phương trong tiểu vùng chưa rõ nét, chưa thực chất, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả. Một số chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng còn dàn trải trong phân bổ nguồn lực, phân tán nguồn vốn ngân sách để phát triển các hạ tầng mang tính liên tỉnh, liên vùng đã gây lãng phí nguồn lực, không tạo ra hiệu ứng đáng kể cho sự tăng trưởng của tiểu vùng.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh thêm, thực tế là chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thể hiện được lợi ích của các địa phương tham gia liên kết: các địa phương trong vùng gặp khó khăn trong việc phối hợp và chia sẻ ngân sách địa phương cấp tỉnh, cơ chế phân chia lợi ích, các nguồn thu từ các chương trình, dự án liên kết vùng.
Để thúc đẩy liên kết tiểu vùng trong bối cảnh mới, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần quan tâm bốn trụ cột chính, gồm: phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng; đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó chú trọng phát triển cảng biển nước sâu tại Khu kinh tế Vũng Áng và các dịch vụ logistics; phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp với khai thác du lịch sinh thái-thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ.
Hiện khu vực Bắc Trung Bộ có hơn 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Mặc dù số lượng còn nhỏ và ít doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, nhưng với nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực này khá đa dạng và nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, di sản văn hóa-lịch sử… thuận lợi để phát triển kinh tế tổng hợp. Do vậy, cần có giải pháp để kết nối doanh nghiệp trong việc khai thác một cách bền vững, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và của tiểu vùng.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nhất trí với đề xuất của các lãnh đạo các địa phương là cần có cơ chế, hội đồng điều phối vùng của Trung ương có thực quyền để chỉ đạo chung, cũng như tháo gỡ những khó khăn trong mối liên kết giữa các địa phương. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá cho tiểu vùng Bắc Trung Bộ trên cơ sở sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương, cùng hướng đến mục tiêu phát triển chung của tiểu vùng.