Nâng cao hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi, hài hòa lợi ích các chủ thể liên quan
Chiều 26/4, tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ, cần có sự thay đổi linh hoạt trong cung cấp vốn vay, hài hòa lợi ích các chủ thể liên quan.
Phó Thủ tướng cho biết, khi tham dự một số hội nghị quốc tế vừa qua, ông đã gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo cấp cao của World Bank những vấn đề về thể chế, dự án ưu tiên trong lĩnh vực tái cấu trúc nền kinh tế, an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng…
Theo ông, nhu cầu về vốn tín dụng ưu đãi của Việt Nam vẫn rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực tư nhân, với khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt, thủ tục thuận lợi, đã tham gia nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đơn cử, nhiều ngân hàng thương mại lớn trong và ngoài nước đã dành nguồn tín dụng rất lớn cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, không yêu cầu cam kết hoặc bảo lãnh của Chính phủ.
Trong khi đó, nguồn vốn vay cần bảo lãnh của Chính phủ từ các định chế tài chính quốc tế như World Bank lại quy định rất chặt chẽ, thủ tục còn phức tạp từ việc tiếp cận vốn, giải ngân, điều chỉnh mục tiêu dự án…
"Để nâng cao hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi có bảo lãnh của Chính phủ thì cần có sự thay đổi linh hoạt trong cung cấp vốn vay, ưu tiên cho hiệu quả của các dự án, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể liên quan".
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Đánh giá cao những ưu tiên của World Bank đối với các dự án chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng cho biết sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ mở ra không gian mới cho các dự án, cơ chế sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng mong muốn World Bank tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho các dự án trung hòa, hấp thụ carbon thông qua trồng rừng, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, thu giữ carbon, phát triển giao thông xanh, lắp đặt và sử dụng trực tiếp điện áp mái tại các công sở, bệnh viện, trường học… Từ đó, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Nhấn mạnh tiềm năng hợp tác rất lớn giữa World Bank và Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng đề nghị World Bank không chỉ thu xếp nguồn vốn vay mà còn chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực, giúp Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần thiết; đưa ra những dự án có ý nghĩa về kinh tế, môi trường đối với sự phát triển bền vững.
Trong buổi làm việc, bà Carolyn Turk trao đổi về tiến độ chuẩn bị, xây dựng Khung Đối tác Quốc gia (CPF) của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) với Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027, trong đó có trụ cột về cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực địa lý dễ bị tổn thương khác; đầu tư xanh và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp…
Bà Carolyn Turk đánh giá cao những giải pháp, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng khí carbon bằng 0 (Net Zero) và khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam sớm hình thành thị trường tín chỉ carbon tự nguyện…
"World Bank sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới, sẵn sàng hỗ trợ tích cực xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 nhằm góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra".
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới