Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm
Ngày 29/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.744 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 257,7 nghìn tỷ đồng, 616 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 188,6 tỷ và 166 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét và xử lý hơn 69 nghìn tỷ đồng, 451 ha đất; ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 6,4 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.
Thực hiện đôn đốc, xử lý sau thanh tra, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 62,6% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 2,3 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 64,1%), hơn 32,5 nghìn ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 152 vụ, 201 đối tượng; khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 332 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt 72,6%).
Trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN, đã tổ chức 68,283 lớp cho 4.775.385 lượt cán bộ, nhân dân tham gia; xuất bản 775.750 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN; ban hành mới 18.420 văn bản để thực hiện Luật PCTN 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 390 văn bản, bãi bỏ 153 văn bản không phù hợp.
Các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 27.878 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 42 người. Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 114 vụ việc, 176 người; trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 22 vụ, 35 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 54 vụ, 97 người; qua giải quyết khiếu nại tố cáo phát hiện 38 vụ, 44 người liên quan đến tham nhũng.
Trong công tác xây dựng thể chế đã tập trung xây dựng và trình Chính phủ ban hành 3 nghị định, giúp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 nghị quyết hướng dẫn, thi hành Luật Thanh tra năm 2022. Công tác xây dựng ngành được chú trọng, nhất là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và bảo vệ bí mật nhà nước của công chức thanh tra; rà soát, ban hành các thông tư hướng dẫn về tổ chức, bộ máy và nghiệp vụ thanh tra.
Bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như trong công tác thanh tra còn có hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ theo quy định; công tác phân loại, xử lý đơn ở một số địa phương, đơn vị, nhất là cấp cơ sở còn có sai sót.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương sự cố gắng với những kết quả của ngành Thanh tra trong năm qua. Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, TTCP cần tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh và Nghị định hướng dẫn thi hành; khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành các thông tư hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh, tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần khẩn trương triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của TTCP về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực. Trong đó quan tâm triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.
Tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 81/2023/NĐ-CP ngày 27/11/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP; củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tiêu cực.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động cán bộ, chủ động tìm kiếm, bổ sung cán bộ có năng lực, kinh nghiệm công tác. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức và lãnh đạo ngành thanh tra, nhất là cán bộ làm công tác tiếp công dân.