Nâng cao hiệu quả phục vụ
Hiện nay, chính quyền quận được tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền huyện. Do đó, dù đã có sự phân cấp nhưng nhiều vấn đề 'nóng' từ cơ sở vẫn phải chờ xin ý kiến từ cấp trên nên mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, với biến động kinh tế - xã hội, dân cư tăng nhanh thì bộ máy chính quyền hiện tại bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý mới... Đây là những yêu cầu đặt ra khi Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, hướng tới xây dựng chính quyền tự chủ, năng động, hiệu quả và có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để giải quyết những vấn đề thực tế đô thị đặt ra.
Để đạt được mục đích đó, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã đưa ra lời giải.
Theo quy định mới, từ ngày 1-7-2021, mô hình hoạt động của chính quyền cơ sở ở các quận, thị xã của Hà Nội sẽ tinh gọn hơn, phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn và thông suốt hơn; từ đó hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cũng thống nhất, chặt chẽ hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian. Ngoài ra, việc quy định rõ về chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn của UBND phường, cán bộ phường, sẽ là cơ sở để UBND phường cũng như các cấp chính quyền triển khai, vận hành mô hình hành chính mới sao cho đạt hiệu quả cao nhất, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, từ các quy định đến thực tiễn công việc sẽ còn nhiều phát sinh, đòi hỏi ngay từ bây giờ công việc chuẩn bị phải kỹ lưỡng, thận trọng trong tất cả các khâu.
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp. Sau khi sắp xếp, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở phường cần duy trì hoạt động ổn định, bình thường. Muốn vậy, cơ quan có thẩm quyền, các sở, ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn cụ thể với những vấn đề còn vướng mắc, đồng thời đề xuất với Trung ương những bất cập trong quá trình triển khai để có biện pháp tháo gỡ. Cùng với đó, có cơ chế, tạo điều kiện hơn nữa cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, nhất là khi không tổ chức HĐND phường trong nhiệm kỳ tới.
Về phía cán bộ, công chức đang công tác tại UBND quận, thị xã và các phường trực thuộc, ngoài việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cũng cần phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân để sớm đề xuất lên cấp trên những kinh nghiệm hay, những bất cập nhằm thực hiện tốt nhất việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Trong quá trình thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của người dân thông qua việc tìm hiểu những quy định mới liên quan, cũng như trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính. Trong đó, những bất cập rất cần được thông tin lại để chính quyền cơ sở tập hợp, phản ánh lên cấp trên nhằm có điều chỉnh kịp thời.
Mục đích của thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ tổ chức, cá nhân của chính quyền các cấp. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đi vào cuộc sống.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/997346/nang-cao-hieu-qua-phuc-vu