Nâng cao hiệu quả quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Bài 1: Tiềm ẩn nhiều nỗi lo
Thời gian qua, việc cơ quan chức năng trong cả nước liên tiếp phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm… khiến người tiêu dùng lo lắng. Thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nguy cơ mất ATVSTP từ thức ăn đường phố...
Chiều nào cũng vậy, tại khu vực chợ Phường 5, TP. Đông Hà, có nhiều quán, gánh hàng rong bán thức ăn sẵn với các món như: Chè, ốc luộc, bún nghệ, bánh bột lọc, bánh canh…luôn tấp nập người mua. Có người mua mang về nhưng đa phần là khách ăn tại chỗ. Các món ăn tại khu vực này được bày bán ngay cạnh đường giao thông đông đúc, hứng nắng nóng, bụi, vi khuẩn thay vì được đựng trong tủ kính, được che chắn cẩn thận.
Bên cạnh đó, đa số người bán không dùng găng tay hoặc có cũng chỉ là hình thức vì từ đầu đến cuối chỉ sử dụng một đôi, vừa bán thức ăn, vừa để cầm tiền khách trả. Tô, bát, thìa, đũa được rửa qua loa chỉ với một chậu nước, lau khô rồi tiếp tục đựng thức ăn cho người dùng tiếp theo; ly uống nước cũng dùng chung. Việc không đảm bảo ATVSTP từ những điểm bán thức ăn đường phố này có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong mùa nắng nóng.
Chị Nguyễn Thị H., ở Phường 5, TP. Đông Hà cho biết, thời gian trước, do bận công việc kinh doanh, chị thường hay mua thức ăn sẵn tại chợ Phường 5 cho các con ăn chiều rồi vào ca học buổi tối. Tuy nhiên, có lần sau khi ăn thấu mít được mua ở đây, các con bị tiêu chảy, có dấu hiệu ngộ độc thức ăn nên chị quyết định không duy trì thói quen này nữa mà cố gắng sắp xếp thời gian để chế biến vài món đơn giản, ngon miệng cho con.
Trên địa bàn TP. Đông Hà, ở hầu hết các cổng trường học, chợ và các tuyến phố đều có các điểm bán đồ ăn cố định, lưu động. Vì người bán có xu hướng di chuyển thường xuyên ngoài đường phố, thay đổi vị trí bán hàng tại các vỉa hè nên không bảo đảm vệ sinh do thiếu nước rửa và dụng cụ cần thiết.
Hơn nữa, dù được người bán che đậy thì đồ ăn từ những gánh hàng rong vẫn thường xuyên hứng bụi, vi khuẩn nên có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm các loại ký sinh trùng cao. Tại các cổng trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố vào đầu giờ học hay lúc tan trường thường thấy rất đông học sinh vây quanh những xe bán các loại đồ ăn, nước giải khát. Chỉ với khoảng 5 - 10 nghìn đồng là các em đã mua được một món ăn, ly nước.
Nhìn các em ăn uống ngon lành, chúng tôi không khỏi ái ngại. Qua quan sát cho thấy phần lớn thực phẩm này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao bì, nhãn mác nên không kiểm soát được các thành phần có trong thực phẩm. Dầu, mỡ dùng để chiên rán sử dụng nhiều lần. Dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, không được che đậy.
... đến các bếp ăn tập thể
Vào ngày 24/2/2021, tại Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đã xảy ra trường hợp 19 học sinh nhập viện do nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa trưa do căn - tin trường cung cấp. Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, nguyên nhân là do nhà trường ký hợp đồng với cơ sở chế biến suất ăn chưa đủ điều kiện về an toàn thực phẩm để cung cấp cho học sinh. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục ATVSTP tỉnh đã thành lập đoàn giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, căn - tin trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.
Theo đó, từ ngày 16/3/2021 đến ngày 26/3/2021, chi cục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh tiến hành kiểm tra, giám sát 15 bếp ăn của 14 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Kết quả, trong 15 bếp ăn được kiểm tra, giám sát có 1/5 bếp ăn của trường tiểu học và 7/10 bếp ăn của trường mầm non đạt yêu cầu về thủ tục hành chính, điều kiện cơ sở vật chất, dụng cụ, bảo hộ lao động cũng như thực hành cho người chế biến; 4/5 bếp ăn của trường tiểu học và 3/10 bếp ăn của trường mầm non chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe, không có giấy xác nhận người trực tiếp chế biến đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, chưa ghi sổ theo dõi kiểm tra thực phẩm ba bước hoặc có ghi nhưng chưa đầy đủ, hệ thống thoát nước thải còn hở, tường khu vực sơ chế bị bong tróc, vệ sinh dụng cụ chứa đựng thức ăn chưa đạt, nguồn nước dùng cho chế biến chưa đảm bảo.
Đoàn đã tiến hành tư vấn, hướng dẫn và yêu cầu các trường bổ sung, khắc phục. Đến nay tất cả các trường được kiểm tra đã khắc phục những tồn tại nêu trên. Ngoài kiểm tra chặt chẽ tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP tại mỗi địa phương định kỳ, đột xuất, nhất là tại các đơn vị trường học bán trú có tổ chức cung cấp bữa ăn cho học sinh.
Mới đây, chúng tôi cùng đoàn cán bộ Phòng Nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP tỉnh đi kiểm tra thực tế tại bếp ăn trong nhà hàng của khách sạn Mê Kông 1 và Mê Kông 2, thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Mê Kông ở TP. Đông Hà. Đây là những nhà hàng lớn, có uy tín trên địa bàn thành phố Đông Hà, nơi thường tổ chức các bữa tiệc quy mô. Đoàn kiểm tra cho biết, qua kiểm tra thực tế thì các bếp ăn của nhà hàng đều đã tuân thủ tốt các quy trình đảm bảo ATVSTP, có đầy đủ các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; có tủ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản thực phẩm, các dụng cụ, trang thiết bị bếp ăn đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 4.370 bếp ăn tập thể gồm trường học, công ty, nhà hàng, khách sạn và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Do đó, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong việc tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, con người, thực hành, các bước lưu mẫu thức ăn… thì nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm là rất lớn, đòi hỏi phải có sự tuân thủ nghiêm ngặt về ATVSTP để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc. Công tác kiểm tra vì thế cần được tăng cường.
Vì vậy, ngoài nhà hàng của khách sạn Mê Kông 1 và Mê Kông 2, thời gian tới, Phòng Nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong nhà hàng của một số khách sạn lớn trên địa bàn thành phố TP. Đông Hà.
Bà Phan Thị Thảo Vinh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn tập thể ở trường học, một số bếp ăn trong các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thời gian qua cho thấy, đa số các bếp ăn đã chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Đối với một số các tiêu chí về điều kiện cơ sở, trang thiết bị chưa đảm bảo thì đoàn kiểm tra đã hướng dẫn các bếp ăn khắc phục kịp thời”.
Bài 2: Cần triển khai đồng bộ các giải pháp.