Nâng cao hiệu quả quản lý lao động trong các khu công nghiệp

Với nhiều giải pháp kịp thời, công tác quản lý lao động trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ giữ ổn định về số lượng; giảm các vụ việc đình công, bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ) và tạo môi trường làm việc ổn định, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên) từng bước xây dựng môi trường làm việc thân thiện giúp NLĐ yên tâm làm việc. Ảnh: Chu Kiều

Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên) từng bước xây dựng môi trường làm việc thân thiện giúp NLĐ yên tâm làm việc. Ảnh: Chu Kiều

Hiện nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có trên 111.400 lao động đang làm việc, trong đó lao động là người Vĩnh Phúc chiếm khoảng 72%. Với số lượng các DN đầu tư vào các KCN ngày càng tăng, số lượng lao động từ các địa phương khác đến làm việc trong các KCN của tỉnh ngày càng nhiều (khoảng 39 nghìn người) nên công tác quản lý nhà nước về lao động tại các KCN gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo mối quan hệ hài hòa, ổn định và phát triển giữa các DN và NLĐ.

Bởi vậy, công tác theo dõi, nắm bắt tình hình lao động và thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ trong các DN luôn được các ngành chức năng quan tâm giải quyết kịp thời.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý lao động trong KCN, năm 2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thực hiện cấp, cấp lại giấy phép lao động (GPLĐ) cho hơn 1.000 người nước ngoài làm việc tại các DN trong KCN; tiếp nhận 146 nội quy lao động, 73 thỏa ước lao động tập thể.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở: LĐ-TB&XH; KH&ĐT, Y tế; Ngoại vụ; Công an tỉnh rà soát, tổng hợp nhu cầu nhập cảnh của các DN trên địa bàn tỉnh được nhập cảnh vào làm việc tại tỉnh và tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho phép hơn 1.000 NLĐ nước ngoài là nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao được phép nhập cảnh vào làm việc tại Vĩnh Phúc...

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong và ngoài nước, BQL các KCN tỉnh đã kịp thời phổ biến, cung cấp đầy đủ thông tin văn bản mới ban hành, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động tới các DN SXKD trong KCN.

Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19; kết nối các cuộc họp trực tuyến của tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch với các DN; xây dựng kịch bản, kế hoạch phòng, chống Covid-19 tại các KCN trong tình hình dịch bệnh diễn ra; đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời hướng dẫn các DN thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Mới đây, trước tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại 255/338 DN trong các KCN, lãnh đạo BQL các KCN tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh đã kịp thời báo cáo với UBND tỉnh về tình hình dịch bệnh, các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đề xuất các giải pháp giúp DN chủ động tầm soát dịch bệnh, ổn định lao động bảo đảm tiến độ SXKD.

Để giúp NLĐ nâng cao nhận thức, hiểu biết các quy định pháp luật về lao động, Ban đã tổ chức tổ chức 6 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động trong các KCN với hơn 300 DN và khoảng gần 300 cán bộ nhân sự tham gia; 17 Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về các nội dung như hợp đồng lao động, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thỏa ước lao động tập thể, tranh chấp lao động, ATVSLĐ... tại 17 DN trong KCN với 1.700 NLĐ tham gia.

Trong năm 2021 đã xảy ra 4 cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Vina Korea và Công ty TNHH Haesung Vina tại KCN Khai Quang (Vĩnh Yên).

Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình lao động ngừng việc để yêu cầu về các vấn đề: Tăng, giảm tiền lương; chế độ phụ cấp; sử dụng phép năm,… BQL các KCN đã phối hợp với Sở LĐ-TB &XH, Công an tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh đến các DN để nắm bắt tình hình, nguyên nhân và kiến nghị của NLĐ để có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, hỗ trợ DN trở lại hoạt động bình thường, ổn định.

Với những giải pháp đồng bộ, các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các quy định của pháp luật về lao động của DN được quan tâm giải quyết kịp thời; quan hệ lao động trong các DN ngày càng hài hòa, giúp DN yên tâm, ổn định SXKD, tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2021, các DN trong KCN đã giải quyết việc làm cho trên 17,8 nghìn lao động.

Với mục tiêu đề ra trong năm 2022, các DN trong các KCN tiếp tục thu hút và tạo việc làm mới cho khoảng 5.000 - 6.000 lao động trong và ngoài tỉnh, BQL các KCN tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý lao động trong các KCN, đẩy mạnh công tác CCHC, nhất là công tác giải quyết các TTHC trong lĩnh vực quản lý lao động.

Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý lao động và thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ trong các DN; đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất gắn với việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội... tạo sức hút với các nhà đầu tư mới vào SXKD tại tỉnh.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74904/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-lao-dong-trong-cac-khu-cong-nghiep.html