Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong ngành tư pháp
Năm 2024, ngành tư pháp đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Hướng đến quyền lợi của người dân
Thời gian qua, ngành tư pháp Đồng Nai rất quan tâm đến công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, trong năm 2024, toàn ngành đã tích cực triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông gồm: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng. Một trong những địa phương đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả là thành phố Biên Hòa.
Trưởng phòng Tư pháp thành phố Biên Hòa Lê Văn Trung cho biết, thời gian qua, UBND thành phố Biên Hòa đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ 2 nhóm TTHC liên thông cho 90 cán bộ, công chức. Đến nay, thành phố Biên Hòa đã giải quyết TTHC liên thông cho trên 1,1 ngàn trường hợp đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 95 trường hợp đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng. Việc làm này đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân và các cơ quan nhà nước.
“Khi thực hiện thủ tục liên thông trực tuyến, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 TTHC, cắt giảm bớt các loại giấy tờ, thời gian giải quyết, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian đi lại cho bà con. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc liên thông 2 nhóm thủ tục sẽ giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân” - ông Trung cho hay.
Trong năm 2024, Sở Tư pháp tiếp tục quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hướng về cơ sở, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong tháng 8-2024, sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã: Túc Trưng, Phú Cường, Phú Túc của huyện Định Quán. Những nội dung tuyên truyền ngắn gọn, thiết thực, gần gũi với đời sống của bà con như: hôn nhân - gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, an toàn giao thông... Các đợt tuyên truyền nhờ đó đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn, để đạt được những kết quả trên, Sở Tư pháp đã bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chủ động nắm bắt nhu cầu của bà con để phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật cho phù hợp. Đồng thời, sở đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức phong phú, huy động cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã tham gia vào công tác này.
Bà Lê Thị Út (dân tộc Chơro, ngụ xã Túc Trưng, huyện Định Quán) chia sẻ, trước đây, nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Quán còn có những hạn chế nhất định nên nhiều người có những hành vi chưa đúng quy định. Tuy nhiên, các cấp, các ngành trong những năm gần đây đã quan tâm tổ chức kịp thời những buổi tuyên truyền pháp luật thiết thực hướng về cơ sở. Nhận thức pháp luật của bà con đồng bào nhờ đó ngày càng được nâng lên và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, Sở Tư pháp lần đầu tiên tham mưu UBND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Gương sáng pháp luật Đồng Nai năm 2024. Chương trình mang ý nghĩa thiết thực nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân là công dân, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật.
Ngoài ra, Sở Tư pháp còn tăng cường kiểm tra, thanh tra các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, qua đó đã kiên quyết xử lý, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân sai phạm…
Vị trí, vai trò quan trọng của ngành tư pháp
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Bình đánh giá, trong năm 2024, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của tình hình khó khăn chung trong bối cảnh quốc tế và khu vực nhưng ngành tư pháp Đồng Nai đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tích cực triển khai các mặt công tác kịp thời và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã không ngừng hoàn thiện thể chế, chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành nên đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc tham mưu cho tỉnh có nhiều giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Công tác cải cách TTHC có những đột phá với nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả mang lại lợi ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng nhấn mạnh, ngành tư pháp cần tiếp tục giữ vững đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo và hiệu quả để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025. Trong đó, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra. Tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác cải cách hành chính.
Sở Tư pháp cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành tư pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN và trong PBGDPL, truyền thông. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp...