Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giao thông vận tải
79 năm qua, Ngành Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn thể hiện vai trò quan trọng 'đi trước mở đường' cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ
Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế. Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Giao thông Vận tải Sơn La đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, phát triển kinh tế của địa phương.
Việc phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước theo hướng đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh ta luôn quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển mạng lưới giao thông từ thành thị đến nông thôn, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với vai trò cơ quan tham mưu, Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; chủ động phối hợp, tham gia lập quy hoạch tỉnh; đề xuất phương án phát triển mạng lưới giao thông tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có tổng chiều dài hơn 18.290 km; trong đó, có gần 901 km quốc lộ, hơn 1.124 km đường tỉnh, 1.838 km đường huyện và gần 5.316 km đường xã, 237 km đường đô thị, trên 309 km đường chuyên dùng; ngoài ra còn có 8.565 km đường bản, thôn xóm và đường trục chính nội đồng.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Sở đã quản lý, thực hiện các quy hoạch phát triển giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; kịp thời rà soát, tham mưu chấp thuận điều chỉnh bổ sung quy hoạch một số tuyến đường đầu tư đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nổi bật, như tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); dự án cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản; hoàn thành tuyến tránh Thành phố...
Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, thành phố Sơn La là giao điểm của các tuyến quốc lộ quan trọng, điểm hội tụ của kết cấu hạ tầng kinh tế, đô thị, giao thông đường bộ của tiểu vùng Tây Bắc và các tuyến đường tỉnh lộ nối với các huyện. Hiện nay, Thành phố đang rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng các tuyến đường mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường hiện có; huy động các nguồn lực, vận động xã hội hóa trong nhân dân, doanh nghiệp để đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị. Giai đoạn 2020-2024, Thành phố triển khai 21 dự án công trình giao thông, tổng chiều dài 57,16 km, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND Thành phố, thông tin: Các dự án phát triển giao thông đang triển khai trên địa bàn Thành phố khi hoàn thành sẽ tạo lập mạng lưới giao thông tích hợp, kết nối các khu đô thị, đường vành đai giao thông nông thôn nối các xã, giao thông đối ngoại giữa thành phố Sơn La và các huyện giáp ranh, các vùng phụ cận. Nhiều dự án giao thông trọng điểm được Thành phố triển khai và phối hợp triển khai đầu tư hiệu quả; hạ tầng giao thông thành phố Sơn La đang từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố loại I, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Quản lý hoạt động vận tải
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 132 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Sơn La đi 23 tỉnh, thành phố với 65 đơn vị vận tải trong và ngoài tỉnh tham gia khai thác; riêng tỉnh Sơn La có 10 đơn vị tham gia vận tải hành khách tuyến cố định khai thác trên 98 tuyến (69 tuyến liên tỉnh, 29 tuyến nội tỉnh) với 262 xe; 2 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên 6 tuyến với 94 xe; 8 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với 595 xe; 16 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng với 287 xe; 746 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với 952 phương tiện. Sở Giao thông Vận tải đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải, Công ty cổ phần Xe khách Sơn La hiện có trên 100 phương tiện vận tải hành khách 28 tuyến đi các tỉnh, thành phố và các tuyến nội tỉnh. Ông Nguyễn Lương Sơn, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Đơn vị thường xuyên quán triệt, tuyên truyền quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách, quy định về an toàn, văn hóa giao thông cho lái xe và nhân viên phục vụ. Đồng thời, kiểm tra các điều kiện kỹ thuật phương tiện, sức khỏe lái xe, cam kết bán đúng giá vé, chở đúng số người quy định; trên mỗi phương tiện đều công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản hồi của hành khách.
Hoạt động vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 11 bến xe khách đã được công bố xếp loại và đưa vào khai thác theo quy chuẩn quy định của Bộ Giao thông Vận tải, do 7 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quản lý, khai thác. Sở Giao thông Vận tải thường xuyên chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các bến xe khách thực hiện nghiêm quy trình cho xe ra vào bến theo quy định. Tăng cường kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, lắp camera trên xe để theo dõi, chấn chỉnh đối với các phương tiện vi phạm thời gian lái xe, không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về Sở Giao thông Vận tải và doanh nghiệp quản lý; kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định và xe cơi nới, đậu đỗ không đúng nơi quy định, xe không có phù hiệu.
Bến xe trung tâm Thành phố của Công ty cổ phần Bến xe khách Sơn La trung bình mỗi ngày có trên 80 chuyến liên tỉnh và nội tỉnh xuất bến, đơn vị đã tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ hành khách và phương tiện. Ông Vương Văn Dương, Giám đốc Công ty, cho hay: Cùng với việc kiểm tra giấy tờ phương tiện và người lái, chúng tôi kiên quyết không cho xuất bến đối với phương tiện không đảm bảo quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera.
Siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đào tạo sát hạch lái xe, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình tuyển sinh, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về quy trình đào tạo, sát hạch để nhân dân thực hiện đúng theo quy định; tuyên truyền văn hóa giao thông để giáo dục đạo đức và nâng cao ý thức cho người lái xe, bảo đảm học viên sau khi tốt nghiệp có kỹ năng thực hành tốt, chấp hành nghiêm các quy định về Luật Giao thông đường bộ.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đầu tư lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên xe ô tô tập lái; nâng cấp hệ thống máy tính để cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và trang bị ca bin học lái xe ô tô; khuyến khích các cơ sở đào tạo đầu tư bổ sung và thay thế xe tập lái, loại bỏ những xe đã cũ, các xe có niên hạn sử dụng quá lâu không đảm bảo an toàn trong quá trình tập lái; nghiên cứu triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thực hiện các quy định mới của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 4 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ các hạng, gồm: Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Sơn La, Trung tâm dạy nghề thuộc Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La, Công ty cổ phần Quản lý sửa chữa & xây dựng công trình giao thông II Sơn La và Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ đường sông Sơn La.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La được Sở Giao thông Vận tải cấp phép đào tạo lái xe hạng B1, B2, C, nâng hạng và lái xe mô tô hạng A1. Trong năm học 2023 – 2024, nhà trường đã tuyển sinh, tổ chức đào tạo được 758 học viên lái xe ô tô các hạng; 3.005 học viên lái xe mô tô hạng A1. Công tác đào tạo được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định từ khâu tuyển sinh, mở lớp, tổ chức kiểm tra cấp chứng chỉ đảm bảo khách quan; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học viên đạt 100%, tỷ lệ đỗ sát hạch lần đầu đạt 70%.
Ông Nguyễn Quốc Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Sơn La, cho biết: Nhà trường chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, như sử dụng thiết bị giám sát bằng vân tay, nhận diện khuôn mặt để điểm danh học viên, đảm bảo học viên phải tham gia đầy đủ thời gian học lý thuyết và quãng đường thực hành lái xe trên đường. Toàn bộ quá trình dạy và học đều được giám sát bằng thiết bị theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Công tác sát hạch lái xe luôn được coi là khâu quan trọng, nhằm đánh giá kiến thức, kỹ năng trước khi cấp giấy phép lái xe cho người đạt yêu cầu. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất công tác sát hạch, bảo đảm các cơ sở thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình đào tạo và chấp hành tốt các quy định có liên quan đến công tác đào tạo. Cùng với đó, tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để chỉ đạo các Sở, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Kết quả, từ tháng 1/2023 đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã cấp mới 30.220 giấy phép lái xe các hạng; cấp đổi 17.417 giấy phép lái xe các hạng.
Phát huy kết quả đạt được, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh Sơn La, thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý, phát triển hiệu quả lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.