Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng
Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp, sâu rộng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân nói chung và ngành Xây dựng nói riêng Sở Xây dựng tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước toàn diện trên mọi lĩnh vực chức năng như quy hoạch, quản lý chất lượng công trình, phát triển hạ tầng đô thị... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp, sâu rộng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân nói chung và ngành Xây dựng nói riêng Sở Xây dựng tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước toàn diện trên mọi lĩnh vực chức năng như quy hoạch, quản lý chất lượng công trình, phát triển hạ tầng đô thị, không ngừng mở rộng các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn liền bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành, Sở đã triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đối với một số quy hoạch trọng tâm như: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 14-2-2020); Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020); Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông, tỉnh Nam Định đến năm 2040 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1060/QĐ-UBND ngày 6-5-2020). Bên cạnh các quy hoạch trọng tâm trên, trong năm 2020, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các thị trấn: Ngô Đồng (Giao Thủy); Liễu Đề (Nghĩa Hưng); quy hoạch chi tiết các Cụm công nghiệp Thanh Côi (Vụ Bản), Yên Bằng (Ý Yên); đang tiếp tục triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch các thị trấn của các huyện Hải Hậu, Vụ Bản và quy hoạch chi tiết khu trung tâm và khu tây khu vực Phủ Dầy (Vụ Bản). Các quy hoạch đã được tổ chức công bố, công khai, bàn giao hồ sơ cho các địa phương, các sở, ngành liên quan để phối hợp quản lý và thực hiện. Cung cấp đầy đủ các thông tin quy hoạch cũng như hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư biết để thực hiện theo quy hoạch. Công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, chất lượng sản phẩm xây dựng, an toàn lao động trong xây dựng và quản lý dịch vụ công cũng được chú trọng thực hiện tốt. Trong năm 2020, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 147 báo cáo hoàn thành dự án, công trình cùng hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng do chủ đầu tư gửi, tiến hành kiểm tra và ban hành kết quả kiểm tra khi hoàn thành công trình xây dựng đối với 138 dự án, công trình; đang kiểm tra đối với 9 hồ sơ dự án, công trình. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, đã thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ và hiện trường hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ và chủ đầu tư đang tổ chức bổ sung hồ sơ, khắc phục các tồn tại theo yêu cầu. Trong năm, qua công tác thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, đề cương, nhiệm vụ, dự toán... đã giảm gần 16 tỷ đồng (1,55%) giá trị dự toán. Sở đã cấp 271 chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tương đương 443 lĩnh vực; cấp 90 chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức tương đương 210 lĩnh vực; cấp thay đổi thông tin doanh nghiệp cho 3 tổ chức. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng được tăng cường; Thanh tra Sở đã tham mưu cho Ban giám đốc ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020 phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành xây dựng và tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm có hiệu quả. Trong năm, Thanh tra Sở đã hoàn thành 6 cuộc thanh tra; xử lý thu hồi, kiến nghị cắt giảm về kinh tế do nghiệm thu không đúng khối lượng thực tế với tổng số tiền thu hồi trên 227,4 triệu đồng; số tiền khi quyết toán phải cắt giảm trên 52,2 triệu đồng; 100% các kiến nghị trong kết luận thanh tra về cắt giảm, thu hồi tiền và xử phạt vi phạm hành chính đã được các chủ đầu tư, đơn vị tham gia dự án thực hiện đầy đủ. Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng cũng được triển khai quyết liệt. Qua kiểm tra, Sở Xây dựng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 doanh nghiệp với tổng số tiền là 380 triệu đồng. Công tác cải cách thủ tục hành chính có những tiến bộ vượt bậc, hiện nay 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở, UBND tỉnh theo quy định. Với nỗ lực của Sở Xây dựng trong công tác quản lý Nhà nước, hàng loạt dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đổi thay diện mạo cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đô thị hóa và tạo nền tảng cho sự đột phá phát triển kinh tế của tỉnh đã hoàn thành như: dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long; dự án cải tạo, nâng cấp một số hạng mục quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường); dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều của tỉnh Nam Định bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017. Ngoài ra, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai thi công như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1); dự án Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; các tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C;... xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống lụt, bão đê hữu sông Hồng và đê tả sông Đào; Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ...
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2021, ngành Xây dựng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về xây dựng trên tất cả các lĩnh vực. Hoàn thành các quy hoạch trọng tâm, đồng thời tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính thuộc lĩnh vực của ngành, phấn đấu thực hiện 100% số thủ tục hành chính hoàn thành trước và đúng hạn. Nâng cao công tác thẩm định chủ trương đầu tư, chấp thuận tổng mặt bằng và cấp phép xây dựng các công trình. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình. Siết chặt quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động trong xây dựng và quản lý dịch vụ công; xử lý nghiêm các công trình không chấp hành các quy định và cương quyết không chấp nhận nghiệm thu đối với các công trình còn tồn tại./.
Bài và ảnh: Thành Trung