Nâng cao hiệu quả quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng
Sáng 17/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết Dự án Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Dự án).
Dự án được Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới ký thỏa thuận tài trợ ngày 7/10/2021 và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện tại Quyết định số 5055/QĐ-UBND ngày 10/12/2021, do Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn quản lý tài nguyên và Thích ứng biến đổi khí hậu (CORENACCA), làm chủ. Dự án có mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tại các xã Đa Lộc (Hậu Lộc), Nga Thủy và Nga Tân (Nga Sơn) thông qua các hoạt động quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, Dự án đã hoàn thành các nội dung và đã đạt được mục tiêu đề ra.
Rừng ngập mặn ở 3 xã thực hiện Dự án đã được quản lý bền vững thông qua kế hoạch quản lý rừng dựa vào cộng đồng. Khi triển khai nội dung này, Dự án đã tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực của cộng đồng và cán bộ chính quyền địa phương trong quản lý rừng ngập mặn tại 3 xã Dự án. Đồng thời, tích cực mở các khóa đào tạo, hội thảo, lớp tập huấn về pháp luật lâm nghiệp liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn cho cán bộ UBND các xã, các nhóm nông dân tham gia Dự án... Nhờ đó, phần lớn người dân đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng.
Dự án cũng đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất cây giống cho 20 thành viên nhóm nông dân tham gia xây dựng 1 vườn ươm sản xuất cây giống tại chỗ ở xã Nga Thủy (Nga Sơn) để chủ động cung cấp nguồn giống phục vụ nhu cầu trồng rừng ngập mặn trong vùng Dự án và cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu, đồng thời giảm chi phí mua cây giống tại các địa phương khác. Kết quả đã sản xuất được 33.000 cây Trang giống. Hiện tại còn khoảng 7.000 cây giống được Dự án bàn giao cho nhóm vườn ươm cộng đồng quản lý để tiếp tục cung cấp cho người dân và các đơn vị có nhu cầu.
Dư án cũng đã tổ chức khảo sát thực trạng sinh kế tại 3 xã vùng Dự án thông qua phỏng vấn sâu người dân, thảo luận nhóm và phân tích các trường hợp điền hình. Thông qua hoạt động khảo sát thực trạng sinh kế, Dự án đã xác định được nhu cầu người dân vùng Dự án trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, đề xuất xây dựng các mô hình sinh kế tại cộng đồng phù hợp với điều kiện tại địa phương. Từ đó, người dân đã lựa chọn và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của gia đình và địa phương như: Nuôi ong lấy mật, nuôi vịt biển, canh tác cây cói và rau màu sử dụng phân vì sinh tại chỗ.
Bên cạnh những kết quả đạt, hiện nay vẫn còn một số mô hình của Dự án cần có cơ chế nhân rộng, như mô hình tự sản xuất phân vi sinh; có mô hình cần được đầu tư và thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật như mô hình nuôi ong nội; có mô hình cần đánh giá khảo nghiệm để duy trì và phát triển như mô hình trồng rừng đa tầng tán; có hoạt động có ý nghĩa cả về kinh tế, xã hội, môi trường như đo đếm lượng hấp thụ cacbon trong rừng ngập mặn cần được tiếp tục quan tâm hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, góp sức của chính quyền địa phương và cộng đồng để các mô hình, hoạt động tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ một số kết quả đạt được, cũng như một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Dự án.
Nhân dịp này, 11 cá nhân thuộc Trung tâm CORENACCA có thành tích xuất sắc tham gia thực hiện Dự án đã được nhận Giấy khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa.