Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khắc phục những khó khăn, hạn chế, triển khai công tác quản lý, sử dụng tài sản công một cách chủ động, đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thời gian qua đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Nhận thức và thực tiễn thực hiện có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã xác lập rõ đối tượng được giao quản lý, sử dụng đối với mỗi loại tài sản công gắn với quyền và nghĩa vụ của tập thể và cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công. Cùng với đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đồng bộ gắn với trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn định mức trong toàn bộ quá trình quản lý tài sản công; nâng cao tính công khai trong quản lý, sử dụng tài sản công; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ hiện trạng và tình hình biến động của tài sản công…
Quản lý, sử dụng tài sản công đã tạo ra cơ chế phân công, phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quản lý, sử dụng tài sản công, năng lực quản lý của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Quy định về phân cấp quản lý tài sản công được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương các cấp đã tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách. Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 30/01/2023 về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền thuê đất năm 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý, sắp xếp nhà, đất của các Bộ, ngành, tổng công ty và tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 133 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Theo đó, lũy kế đến ngày 20/6/2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.831 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Về quản lý tài chính đối với đất đai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuyên đề tài chính đất đai và các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã kịp thời hướng dẫn xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách tài chính đất đai, cụ thể như: Ghi nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; miễn, giảm tiền thuê đất; xác định nghĩa vụ tài chính đất đai về tiền sử dụng đất; khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp..., qua đó góp phần tháo gỡ vướng mắc cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi cả nước.
Để phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ cùng với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để trình Lãnh đạo Chính phủ ký ban hành các đề án: Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (thay thế Nghị định số 129/2017/NĐ-CP); Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (thay thế Nghị định số 04/2019/NĐ-CP)...
Đồng thời, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án như: Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...
Song song với đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách làm cơ sở hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng và tăng cường quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản công; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý tài sản công tại Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý tài sản công.