Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm nay đã đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm, tăng cao so mức giải ngân 49,83% cùng kỳ năm 2019.

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm nay đã đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm, tăng cao so mức giải ngân 49,83% cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công vốn vay nước ngoài, trong đó có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lại chưa có chuyển biến, chỉ đạt 30,15% kế hoạch. Lượng vốn còn lại phải giải ngân trong hai tháng cuối năm lên tới 41 nghìn tỷ đồng. Ðáng lưu ý, đã có một số bộ, ngành, địa phương hoàn trả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Ðiều này không chỉ gây sức ép lên ngân sách nhà nước trong các năm tới mà còn làm giảm uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn ODA mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ những hạn chế trong giải ngân nguồn vốn này và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương
tập trung kiểm tra, xử lý triệt để vướng mắc nhằm thúc đẩy tốc độ giải ngân. Trong đó, Thủ tướng quyết liệt yêu cầu chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, nhũng nhiễu trong giải ngân đầu tư công; kiên quyết thay cán bộ không biết làm việc, thiếu trách nhiệm hoặc tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư ODA.

Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận nhiều nguồn vốn ODA, được các nhà tài trợ đánh giá cao về số lượng dự án hoàn thành và đạt mục tiêu. Tuy nhiên, lượng vốn huy động cao nhưng tỷ lệ giải ngân gần đây thấp và có xu hướng chậm dần. Không những thế, tính hiệu quả của các dự án luôn là vấn đề nóng vì không ít đơn vị sử dụng vốn ODA quan niệm, đây là tiền cho không, vay càng nhiều càng tốt. Trong quá trình quản lý, sử dụng vốn còn để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, thậm chí xuất hiện lợi ích nhóm như hối lộ để thắng thầu, nâng khống nhân công, phương tiện,… như một số dự án sai phạm trước đây đã bị đưa ra xét xử. Những hạn chế này chính là nguyên nhân đẩy chi phí dự án lên cao, khiến dòng vốn ODA trở nên đắt đỏ và giảm hiệu quả.

Năm 2020, việc bảo đảm tiến độ giải ngân đầu tư công vốn ODA trở nên khó khăn hơn do tác động của dịch Covid-19. Hầu hết các hoạt động của dự án ODA gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát,… phải dừng lại do thực hiện cách ly xã hội. Nhưng nguyên nhân căn bản của "bệnh" chậm giải ngân vẫn do sự bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và quá trình chuẩn bị đầu tư. Công tác lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch còn chậm, chưa sát tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án; không bố trí kịp thời, đầy đủ vốn đối ứng; năng lực tổ chức thực hiện yếu, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu,... Những nút thắt này cần được tập trung tháo gỡ vì đầu tư công có vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế, khi nhiều nguồn lực khác không thể duy trì được tỷ lệ đóng góp cao vào GDP do tác động của dịch Covid-19.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại các bộ, ngành, địa phương tiếp nhận vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án năm 2020. Cụ thể là xử lý dứt điểm những vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, giải ngân ngay các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư; đấu thầu, triển khai ngay việc ký hợp đồng đối với những gói thầu đủ điều kiện. Ðồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-su-dung-von-oda-623013/