Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA trong nông nghiệp
Khẳng định nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hạ tầng nông thôn, các ý kiến cũng cho rằng, từng đồng vốn ODA cần được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tránh lãng phí. Về vấn đề này, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra những kết quả đạt được, bất cập cần chấn chỉnh và có kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn.
Nguồn vốn ODA góp phần tăng cường năng lực cho ngành nông nghiệp
Trong giai đoạn thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) - Dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đến tháng 6/2022, TP. Cần Thơ thực hiện 10 tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công tại 4 quận/huyện với diện tích phục vụ gần 8.256ha đất nông nghiệp và nâng cấp đê bao kết hợp giao thông nông thôn 39,53km; 37 cầu giao thông nông thôn… “Trước đây nông dân trên địa bàn sử dụng phân đạm với mức cao, trung bình 130 kg/ha, từ đó làm gia tăng chi phí sản xuất, kéo theo ô nhiễm môi trường; hiện nay nhờ Dự án này, Cần Thơ đã ghi nhận được những thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất, khi lượng phân đạm giảm chỉ còn khoảng 90 kg/ha” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Sử cho biết.
Theo Bộ NNPTNT, ODA là nguồn vốn quan trọng, bổ sung cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đại diện Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, các dự án ODA được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đa dạng về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản... Từ các nguồn vốn ODA, gần chục nghìn km đường giao thông nông thôn, hàng trăm km kênh mương cùng với công trình hồ đập thủy lợi đã được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, tỷ lệ vốn ODA trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ NNPTNT có thời điểm lên tới gần 50%. Ngoài việc chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, ngày càng có nhiều dự án ODA hướng đến hỗ trợ hoàn thiện thể chế, chính sách, từ đó giúp nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp. “Theo định hướng của Ngành, hoạt động hợp tác cần được mở rộng, không chỉ nhu cầu về vốn mà còn rất cần các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, kiến thức cho đầu tư phát triển nông nghiệp” - ông Tuấn cho biết.
Giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp đang đề xuất, chuẩn bị ký kết các hiệp định vay với tổng nguồn vốn khoảng 2 tỷ USD. Trong đó có 5 dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đề xuất với tổng số vốn vay khoảng 750 triệu USD.
Tại Hội nghị “Định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành NNPTNT trong giai đoạn 2026-2030” do Bộ NNPTNT tổ chức, bà Mariam Sherman - Giám đốc Quốc gia WB đánh giá cao việc triển khai dự án ODA của ngành nông nghiệp Việt Nam, đơn cử như Dự án VnSAT tại TP. Cần Thơ với nhiều cách làm hay có thể nhân rộng để giảm sử dụng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật. Đại diện WB cho rằng nhu cầu về vốn vay ODA của Việt Nam còn rất lớn, ước tính lên tới 17 tỷ USD; đồng thời cho biết WB mong muốn hỗ trợ nhiều hơn cho Việt Nam qua các nguồn vốn vay ưu đãi. Ấn tượng với việc sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả của Việt Nam, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á cũng bày tỏ cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy sinh kế nông thôn, cũng như tăng cường khả năng chống chịu ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu…
Triệt để khắc phục các tồn tại để phát huy giá trị của nguồn vốn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra những bất cập trong việc tổ chức triển khai dự án ODA. Theo đó, ngoài các hạn chế, sai sót chung trong việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng, công tác quản lý dự án ODA còn một số tồn tại, hạn chế, như: Bố trí vốn vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí nguồn vốn đối ứng chưa đảm bảo theo quy định; tỷ lệ giải ngân thấp; giao vốn chưa đủ điều kiện; thanh toán chưa phù hợp với quy định của hiệp định vay… Đơn cử như tại Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc, kế hoạch vốn hằng năm từ năm 2021 đến 2023 bố trí vượt 146,6 tỷ đồng so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cũng tại Dự án này, việc thanh toán chi phí thiết bị một số gói thầu chưa phù hợp…
KTNN cũng chỉ ra tình trạng giải ngân chậm tại các dự án ODA, tình trạng một số ban quản lý dự án còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, xử lý vướng mắc không kịp thời… Đặc biệt, KTNN cũng lưu ý một số yêu cầu của nhà tài trợ gây bất lợi cho Việt Nam trong mua sắm, đấu thầu, phần nào hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; quy chế đấu thầu của nhà tài trợ kéo dài so với quy định của Luật Đấu thầu, làm tăng chi phí; công tác đàm phán, ký kết hợp đồng, phân chia tiến độ chưa phù hợp… Từ đó, KTNN đã kiến nghị Bộ NNPTNT, các địa phương, chủ đầu tư dự án chấn chỉnh sai sót trong việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng, đồng thời rà soát các yêu cầu của nhà tài trợ, hạn chế rủi ro trong triển khai dự án.
Qua thực tiễn triển khai, cũng như tiếp thu kiến nghị kiểm toán, đại diện Bộ NNPTNT cho biết đã nhìn nhận rõ hơn những tồn tại khách quan, chủ quan và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn trong thời gian tới. Vụ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, năng suất chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường..., đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc thu hút nguồn vốn ODA, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn vốn này như giao trách nhiệm cụ thể cho các chủ đầu tư thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh thiếu sót trong công tác này.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn vốn ODA, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong tình hình mới, việc thu hút nguồn vốn ODA cũng có những yêu cầu cao hơn, trong đó các dự án ODA phải đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn; định hướng phát triển “xanh” nhằm nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững… Trong quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cần phải chú trọng nâng cao chất lượng dự án; đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng vốn vay và tuân thủ đúng quy định pháp luật của Việt Nam và cam kết theo hiệp định được ký kết giữa Việt Nam với đối tác./.