Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành
Thời gian qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng còn những vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công tác trong lĩnh vực này.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 901/KH-UBND ngày 30/1/2024 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2024. Kế hoạch bám sát định hướng và nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm năm 2024 gồm: Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản về việc thi hành Luật Xuất bản 2012.
Tại Kế hoạch số 901/KH-UBND, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật đến các ngành, các cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Tư pháp đã ban hành văn bản triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm năm 2024 và thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực trọng tâm về việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tình hình thi hành pháp luật về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; tình hình thi hành Luật Xuất bản 2012. Trong đó có việc thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật.
Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật lồng ghép trong nội dung kiểm tra công tác cải cách thể chế - một trong những nội dung kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh Lâm Đồng. UBND các huyện, thành phố đã xây dựng các kế hoạch và tổ chức kiểm tra về tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực theo dõi trọng tâm năm 2024. Cùng với đó, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch, phương án điều tra khảo sát về tình hình thi hành pháp luật trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát trên toàn tỉnh, thu thập 177 thông tin khảo sát nhằm ghi nhận các ý kiến đánh giá về tình hình thi hành pháp luật trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ đó nắm bắt các thuận lợi cũng như những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ và theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 3548/BTP-KTrVB ngày 26/6/2024, Sở Tư pháp đã chủ trì, hướng dẫn và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát các văn bản QPPL trong hệ thống pháp luật (trừ Hiến pháp) còn hiệu lực đến thời điểm rà soát và tất cả các văn bản QPPL do HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh ban hành. Trong đó, đặc biệt chú trọng tập trung vào các luật, bao gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các Luật Thuế, Luật Dược... và các văn bản hướng dẫn, xác định vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.
Hiện, toàn tỉnh có 391 biên chế thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, gồm 3 biên chế chuyên trách và 388 biên chế kiêm nhiệm. Trong đó, Sở Tư pháp đã bố trí 4 biên chế Thanh tra Sở thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tuy nhiên, đến tháng 10/2024 do 1 công chức chuyển đến vị trí khác nên chỉ còn 3 biên chế. Đối với các sở, ban, ngành có 143 biên chế kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật; đối với UBND cấp huyện, cấp xã có 245 biên chế kiêm nhiệm là công chức tư pháp thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, điều kiện biên chế, nhân lực cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn gặp nhiều khó khăn; cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại một số đơn vị còn lúng túng, công tác phối hợp giữa các cấp địa phương trong triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa chặt chẽ. Theo Sở Tư pháp, một trong những nguyên nhân là do phạm vi lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật rộng, các văn bản hướng dẫn về nội dung, cách thức và hướng dẫn thi hành còn khó áp dụng. Cùng với đó, điều kiện về nhân lực, kinh phí và các nội dung thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật như công tác điều tra, khảo sát, tọa đàm tại cấp xã, cấp huyện khó thực hiện do đối tượng, phạm vi theo dõi hẹp…
Để nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới, theo Sở Tư pháp, cần quan tâm tăng cường điều kiện về biên chế, nhân lực, kinh phí cho nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, cần thống nhất trong chỉ đạo triển khai kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật liên ngành, trọng tâm hàng năm giữa các bộ, ngành Trung ương và UBND các cấp nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp đồng bộ thống nhất với công tác quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền ở địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật, rà soát và xây dựng các văn bản QPPL tại các địa phương nhằm giúp cho đội ngũ công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao...