Nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong giai đoạn mới
Thực hiện Chỉ thị số 14 ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 4540 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn mới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn.
6 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc với gần 360 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 60,5% so với cùng kỳ, đạt gần 90% kế hoạch năm và hơn 11 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 42,7% so với cùng kỳ, vượt 2,2 lần so với kế hoạch năm.
Cùng với đó, một số dự án đầu tư lớn được hoàn thành và đi vào hoạt động như dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD, nhà máy Enplas Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD, dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Uni-Calsonic Việt Nam với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh, khu vực kinh tế có vốn đầu tư FDI tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, chủ đạo trong nền kinh tế. Giai đoạn 2021 - 2023, thu hút vốn đầu tư FDI đạt 1,9 tỷ USD (Mục tiêu Đại hội thu hút thêm vốn đầu tư FDI trong 5 năm là 2 - 2,5 tỷ USD).
Đạt được kết quả trên, ngay từ khi tái lập, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để Vĩnh Phúc “cất cánh”.
Nếu như giai đoạn 1997 - 2004, tỉnh chủ trương thu hút các dự án đầu tư sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết bài toán công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu ngân sách; thì đến năm 2004, khi bước vào nhóm các địa phương có tổng thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, tỉnh bắt đầu hướng tới những dự án FDI chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhiều hơn lực lượng lao động đã qua đào đạo.
Từ năm 2016 đến nay, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia là giải pháp và chiến lược hàng đầu của Vĩnh Phúc.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc luôn nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành của các cấp chính quyền, đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư cũng như quá trình triển khai dự án, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư.
6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các DN, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại nhằm tìm hướng phát triển du lịch và xây dựng đô thị, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, ô-tô, xe máy, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường; Tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược cũng như có sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Piaggio… Đây là các nhà đầu tư góp phần lớn trong việc tạo nên bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc hôm nay.
Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, tại văn bản số 4540, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất UBND tỉnh ban hành các tiêu chí, điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất và tiêu chí về số lao động sử dụng theo quy định của Luật Đầu tư; triển khai có hiệu quả Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; xây dựng phương án ưu đãi, hỗ trợ đối với những dự án quan trọng, có tính lan tỏa, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật hiện hành và tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Sở Công thương định hình không gian sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến định hướng của nhà đầu tư. Quy hoạch các vùng sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, gắn KCN liên kết với khu đô thị, cụm công nghiệp (CCN), khu nhà ở chuyên gia và các điều kiện môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Bên cạnh đó, chú trọng đến các khu vực sản xuất công nghiệp chuyên sâu, hướng tới sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa bền vững.
Đồng thời, kết hợp các công nghệ số mới như công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường để xây dựng bản đồ số về các KCN, CCN và CCN gắn với mô tả hiện trạng sản xuất để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài có hình dung toàn cảnh và xác định được địa điểm đầu tư phù hợp trên địa bàn...