Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc trên lĩnh vực bình đẳng giới

Những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại những tác động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bình đẳng giới. Qua đó, công tác bình đẳng giới trong vùng DTTS có nhiều chuyển biến đáng kể, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia và thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh

Các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên với 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, chỉ đạo, thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương, Chính phủ về công tác dân tộc, đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển, góp phần làm thay đổi toàn diện mọi mặt đời sống vùng đồng bào DTTS. Trong đó, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và một số chính sách về bình đẳng giới.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền chính sách bình đẳng giới được đẩy mạnh, truyền thông vận động thay đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh… Toàn tỉnh tiếp tục duy trì 43 mô hình với 1.211 thành viên, gồm: 33 mô hình không sinh con thứ 3; 3 câu lạc bộ dân số/sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe và mất cân bằng giới tính khi sinh; 7 nhóm phát triển cộng đồng, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Có 92% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 4 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới cho Chi hội trưởng, Chi hội phó, tuyên truyền viên, hội viên, phụ nữ tại các huyện, thành phố.

Cùng với đó, phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, thu nhập được cải thiện. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ DTTS được triển khai hiệu quả. Hiện toàn tỉnh tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế trên 793.000 người, trong đó lao động nữ trên 378.700 người, chiếm 57,31%. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nữ, trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động, chiếm tỷ lệ 45%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nữ được quan tâm triển khai, đã có trên 175.000 lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, trong đó lao động nữ gần 93.000 người, chiếm tỷ lệ 52,99%; tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 47,76%, giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng lao động nữ có việc làm xuống 66,35%; có 30,1% nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã...

Nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng được nâng cao. Tỷ lệ nữ sinh theo học ở các cấp học ngày càng tăng, đặc biệt ở các cấp học mầm non và tiểu học. Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái DTTS hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 95%; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 95%; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 32%...

Trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS có tác động tích cực đến bình đẳng giới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nói chung, trong vùng DTTS nói riêng ổn định; kinh tế ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh các kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS như: Mức độ nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế, còn định kiến giới như một số nam giới vẫn còn quan niệm phụ nữ chỉ nên lo việc nhà, con cái; thiếu hụt nguồn lực thực hiện hoạt động, các chương trình hỗ trợ phụ nữ DTTS, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, việc làm; đối với vùng đồng bào DTTS, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp của nữ còn hạn chế, cơ hội tiếp cận dịch vụ, việc làm khó hơn so với nam giới; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại...

Để đảm bảo thực hiện tốt các chính sách văn hóa - xã hội với vùng đồng bào DTTS hướng đến bình đẳng giới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách dân tộc và bình đẳng giới. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư và tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ phụ nữ DTTS như: Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025; Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”...

Bên cạnh các giải pháp trên, bản thân phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS cũng cần nhận thức đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm của mình và cố gắng học tập nâng cao trình độ, có sinh kế phù hợp để thể hiện vai trò giới và đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội.

Việc thực hiện các chính sách dân tộc về văn hóa - xã hội đã mang lại nhiều tác động tích cực cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giúp tạo thêm động lực để người dân, nhất là đồng bào DTTS phát huy tinh thần tự lực, vượt khó giúp đời sống ngày một cao hơn, giảm bớt bất bình đẳng giới trong xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202408/nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-cac-chinh-sach-dan-toc-tren-linh-vuc-binh-dang-gioi-7732ece/