Nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Việc xây dựng Nghị định nhằm khắc phục những bất cập của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng thời, bổ sung các hành vi vi phạm hành chính mà các nghị định nêu trên chưa đề cập, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Một số quy định chế tài xử phạt chưa tương xứng
Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. (Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, Nghị định số 162/2013/NĐ-CP, Nghị định số 23/2017/NĐ-CP, Nghị định số 96/2020/NĐ-CP) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Quốc phòng, các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được ban hành và triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng; là công cụ quan trọng nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước về công tác quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.
Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, các nghị định đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật mới ban hành, thuận lợi trong áp dụng và sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đổi mới quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh.
Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, Nghị định số 162/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 23/2017/NĐ-CP), Nghị định số 96/2020/NĐ- CP được xây dựng dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tuy nhiên hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022; nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng đã được ban hành mới (Luật Quốc phòng ngày 8/6/2018; Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 19/6/2015; Luật Dân quân tự vệ ngày 22/11/2019; Luật Lực lượng dự bị động viên ngày 26/11/2019; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ngày 26/11/2015). Do vậy các nghị định trên cần phải điều chỉnh cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên.
Ngày 18/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, một số nội dung của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng cũng cần phải điều chỉnh để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Nghị định số 97/2017/NĐ-CP.
Một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu được quy định tại Nghị định số 120/2013/NĐ-CP chưa phù hợp với một số hành vi được coi là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017; vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và thống nhất.
Bên cạnh đó, ngày 6/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo đó, hầu hết các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an các cấp đã có sự sắp xếp lại, chuyển đổi, sáp nhập, chia tách, thay đổi về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn dẫn đến những chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân thay đổi; vì vậy, cần phải sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân cho phù hợp.
Ngoài ra, công tác thi hành các nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng trong những năm qua cho thấy một số quy định chế tài xử phạt (mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả) chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, chưa bảo đảm tính răn đe đối với đối tượng vi phạm; tình hình kinh tế xã hội đất nước có bước phát triển nhất định, do vậy mức phạt tiền của một số hành vi cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Từ những lý do trên, theo Bộ Quốc phòng, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa CHCN Việt Nam là rất cần thiết.
Bổ sung các hành vi vi phạm hành chính cho phù hợp thực tiễn
Bộ Quốc phòng cho biết, mục đích việc xây dựng Nghị định nhằm khắc phục những bất cập của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng thời bổ sung các hành vi vi phạm hành chính mà các nghị định nêu trên chưa đề cập, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Việc xây dựng Nghị định phải đảm bảo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 63/2020/QH14 ngày 18/6/2020) và thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan. Bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành trong thực tiễn.
Đồng thời, kế thừa những quy định còn phù hợp với thực tiễn của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; cập nhật, bổ sung, sửa đổi các quy định trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành nhằm bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện của Nghị định.
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 5 điều, cụ thể: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2013/NĐ- CP ngày 12/11/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 23/2017/NĐ-CP ngày 13/3/2017) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; Điều 4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện; Điều 5. Hiệu lực thi hành.
Bộ Quốc phòng cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ" (khoản 2 Điều 21); “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ" (khoản 2 Điều 27). Tuy nhiên Nghị định số 120/2013/NĐ-CP chưa đề cập đến các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này; trong khi đó, thực tế hiện nay ở nhiều địa phương đặc biệt là ở các thành phố lớn, nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, tiềm ẩn các yếu tố gây nguy hiểm cho các hoạt động bay quân sự và dân sự, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; vì vậy cần bổ sung các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.