Nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý

Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội được TGPL, nâng cao hiểu biết pháp luật.

Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân.

Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân.

Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội được TGPL, nâng cao hiểu biết pháp luật.

Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi có dịp theo các luật sư của Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai, đến với người dân vùng sâu của huyện Xuân Lộc. Trong thời gian một buổi sáng, ngoài tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các luật sư còn TGPL miễn phí cho hơn 30 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, liên quan đến chính sách người có công, tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình. Ông Liềng A Phúc, ngụ ấp 2, xã Xuân Hòa là một trong những người đến điểm tư vấn rất sớm để nhờ các luật sư hướng dẫn, thủ tục điều chỉnh lại tên cho bố ông trên giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho đúng với tên trong giấy khai sinh để hoàn thiện thủ tục hưởng chính sách đối với người có công. Sau khi được các luật sư hướng dẫn tận tình, ông Phúc cho biết, sẽ đến đúng bộ phận chuyên môn để chỉnh sửa tên cho bố mình.

Luật gia Vòng Kiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho biết, với 14 tư vấn viên pháp luật và luật sư, mỗi năm, đơn vị thực hiện tư vấn pháp luật và TGPL miễn phí cho khoảng 1.000 trường hợp tại 12 điểm tư vấn pháp luật miễn phí trên địa bàn TP Biên Hòa. Bên cạnh đó, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và TGPL giai đoạn 2017 -2021, đơn vị đã tiến hành tư vấn, TGPL miễn phí lưu động ở 12 xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Trảng Bom. Qua đó, đã đưa hoạt động TGPL đến với các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, thu hút khoảng một triệu công nhân, trong đó hơn 60% là nhập cư, hầu hết người lao động xuất thân từ nông thôn nên kiến thức pháp luật về lao động còn hạn chế. Từ đó, Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp Ban quản lý các khu công nghiệp và Hội Luật gia tỉnh đến các khu nhà trọ tư vấn pháp luật kết hợp TGPL miễn phí cho người lao động. Tính từ năm 2014 đến nay đã trực tiếp tư vấn cho 12.000 lượt người lao động về các chế độ, chính sách pháp luật.

Tại nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng triển khai có hiệu quả công tác TGPL, như: Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai thực hiện chương trình tư vấn pháp luật miễn phí, trả lời những thắc mắc về pháp luật định kỳ; Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp Sở Tư pháp niêm yết bảng thông tin về TGPL, hộp tin TGPL tại địa điểm tiếp dân và phòng xử án để người dân dễ dàng tiếp cận với hoạt động TGPL miễn phí,...

Trong khi đó, việc thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng luôn được các đơn vị thuộc Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng quan tâm, bám sát lĩnh vực phụ trách. Thông qua các đợt kiểm tra cho thấy, các cơ quan tố tụng cấp tỉnh, huyện đã làm tốt công tác giải thích, hướng dẫn người dân quyền được TGPL miễn phí theo luật; giới thiệu bị can, bị cáo, đương sự hoặc người nhà của họ liên hệ với Trung tâm TGPL tỉnh hoặc các chi nhánh TGPL. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay đã thụ lý TGPL cho gần 300 vụ việc và năm sau luôn cao hơn năm trước. Đại tá Phan Văn Cầm, Trưởng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, công an các đơn vị, địa phương luôn quan tâm, tăng cường tuyên truyền và thực hiện đúng các quy định về TGPL. Qua đó, giúp các cơ quan tố tụng giải quyết các vụ việc được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, đồng thời không để lọt tội phạm, vai trò công tác TGPL trong thực hiện tố tụng đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế đối tượng được TGPL vẫn còn thấp so với số người được hưởng quyền TGPL.

Mới đây, trong chuyến làm việc tại tỉnh Đồng Nai về thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá, đối tượng được TGPL trên địa bàn vẫn còn thấp so với số người được hưởng quyền TGPL. Do đó, các cơ quan liên quan tỉnh Đồng Nai cần rà soát lại và khắc phục, thay đổi cách làm hiệu quả để người dân hưởng quyền TGPL đầy đủ. Theo đề xuất Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai Lê Ngọc Minh, cần xây dựng quy chế phối hợp, ràng buộc trách nhiệm cụ thể cho mỗi đơn vị, bộ phận trong việc phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến các đối tượng được trợ giúp và người dân biết. Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước Đồng Nai Lê Quang Vinh, cho rằng, cần sự hỗ trợ hơn nữa của các cơ quan tố tụng trong việc giới thiệu đối tượng được TGPL theo Luật TGPL. Về phần mình, các trợ giúp viên của Trung tâm TGPL Nhà nước phải chủ động phối hợp, nỗ lực tìm kiếm đối tượng, trách nhiệm, uy tín với nhiệm vụ để khẳng định thương hiệu thì người được TGPL miễn phí mới thật sự tin tưởng, tìm đến.

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp Đồng Nai, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL thời gian qua còn tồn tại, hạn chế, như: có nơi còn xem việc TGPL là việc nhỏ, không tận tâm, thực hiện một cách qua loa cho xong việc; công tác tuyên truyền của một số cơ quan chưa đạt hiệu quả cao; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhiều lúc chưa được nhịp nhàng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu được nội dung Luật TGPL, nhất là những người thuộc diện được thụ hưởng và Trung tâm TGPL tỉnh phải nỗ lực xây dựng được thương hiệu của mình thông qua hoạt động TGPL miễn phí cho người dân và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

THIÊN VƯƠNG và NGUYỄN PHƯỚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/41469902-nang-cao-hieu-qua-tro-giup-phap-ly.html