Nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS - Bài 1

LINH HOẠT, SÁNG TẠO
TRONG GIẢI PHÁP TUYÊN TRUYỀN

Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh

BPO - Những năm qua, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc đề ra giải pháp khi thực hiện công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao dân trí, thay đổi cơ bản đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả, người thực hiện công tác này phải có sự đổi mới, sáng tạo cả trong phương thức lẫn việc nắm bắt nội dung, đối tượng tuyên truyền để có sự ứng biến linh hoạt, phù hợp, đem lại hiệu quả thực chất.

Hiểu đúng về chính sách dân tộc

Việt Nam là quốc gia có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống. Các DTTS có truyền thống đoàn kết lâu đời, chung lưng đấu cật trong lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng nên một khối cộng đồng thống nhất. Các DTTS có bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, tập quán riêng, cư trú xen kẽ nhau, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trình độ phát triển giữa các dân tộc không đồng đều, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng bào DTTS thường cư trú tập trung chủ yếu ở nông thôn, miền núi cao, vùng sâu, xa, biên giới, vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai. Vì vậy, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Tuy nhiên, việc hiểu chưa đúng về chính sách dân tộc dễ dẫn đến những hạn chế khi triển khai thực hiện.

Từ cách tiếp cận khác nhau, đến nay có nhiều định nghĩa về chính sách dân tộc, theo Đại từ điển tiếng Việt (2007): “Chính sách dân tộc là chủ trương và các biện pháp của một đảng phái, một chính phủ, trong các lĩnh vực chính trị xã hội”. Một số quan niệm lại nêu, chính sách dân tộc “là một bộ phận của chính sách quốc gia nhằm phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, truyền thống của các dân tộc và vùng dân tộc trong mối quan hệ hữu cơ với vùng khác, hướng đến phát triển bền vững đất nước”, hay chính sách dân tộc “là tập hợp những quan điểm, đường lối, chủ trương và những giải pháp thực hiện của Nhà nước tác động trực tiếp đến các dân tộc và mối quan hệ dân tộc”. Như vậy, có thể hiểu rằng chính sách dân tộc là "ứng xử" của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc trong từng giai đoạn khác nhau và được hiểu theo 2 nghĩa là những cái “cho” và những cái “không cho”, thậm chí là “nghiêm cấm” (xóa bỏ tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình của các DTTS). Chính sách dân tộc được phân theo ngành, lĩnh vực, phạm vi điều chỉnh mang tính quốc gia (bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết…); chính sách khu vực (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Chương trình 135); hoặc chính sách cho những hộ có đời sống khó khăn (Chương trình 134, 33); chính sách cho những DTTS rất ít người (Ơ Đu, Rơ Măm); hay chính sách cho những DTTS có yếu tố lịch sử riêng (Mông, Chăm, Khmer). Đây là vấn đề quan trọng, người thực hiện công tác tuyên truyền cần nhận thức đúng để tuyên truyền.

Các DTTS có bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, tập quán riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Trong ảnh: Tiết mục múa “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của đồng bào S'tiêng tỉnh Bình Phước - Ảnh: Đức Hòa

Nguyên tắc thực hiện chính sách dân tộc là nội dung quan trọng trong công tác dân tộc. Điều 3, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc quy định: “Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS”. Cụ thể hóa các chính sách, tại Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, về mục tiêu tổng quát: “Phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc”; hay Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”. Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, chính sách dân tộc gồm 13 lĩnh vực cụ thể là: Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực; chính sách đầu tư phát triển bền vững; chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách cán bộ người DTTS; chính sách đối với người có uy tín ở vùng DTTS; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; chính sách phát triển thể dục thể thao vùng DTTS; chính sách phát triển du lịch vùng DTTS; chính sách y tế, dân số; chính sách thông tin - truyền thông; chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái và chính sách quốc phòng, an ninh.

Tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận chính sách có hệ thống

Đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách dân tộc. Vì vậy, người làm công tác tuyên truyền phải nắm chính sách một cách hệ thống, đồng thời tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận, hiểu rõ, biết trân trọng giá trị, ý nghĩa và tận dụng hiệu quả các chính sách để phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV nêu rõ: "Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa dân tộc ít người và dân tộc đông người".

Ngay từ những năm đất nước mới thống nhất, ngày 15-11-1977, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về công tác dân tộc ít người ở các tỉnh miền Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách dân tộc của Đảng. Muốn làm tốt công tác dân tộc, trước hết phải làm cho cán bộ và đảng viên quán triệt chính sách dân tộc của Đảng, trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng những điểm cơ bản của chính sách dân tộc”. Từ năm 1986 đến nay, chính sách dân tộc càng hoàn thiện hơn, ngày 27-11-1989, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đây là chính sách lớn làm tiền đề để ra đời nhiều chính sách cho đồng bào DTTS. Về tổ chức thực hiện, nghị quyết nêu rõ: “Đổi mới hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của các đoàn thể quần chúng cho phù hợp với thực tế miền núi nhằm động viên mạnh mẽ phong trào quần chúng thực hiện thắng lợi chủ trương và chính sách của Đảng”. Đối với chính quyền địa phương cấp xã “củng cố chính quyền cấp xã gắn với việc xác định đúng đắn nhiệm vụ của cấp buôn, làng, bản, chú ý đến vai trò của các trưởng bản, già làng trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội và các nhiệm vụ về an ninh quốc phòng”.

Các DTTS có bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, tập quán riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Trong ảnh: Tiết mục múa “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của đồng bào S'tiêng tỉnh Bình Phước - Ảnh: Đức Hòa

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Hội nghị Trung ương 7, khóa IX về công tác dân tộc khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho mọi cán bộ, đảng viên và cho nhân dân. Phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi cho đồng bào các DTTS”. Trên cơ sở Nghị quyết 24, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, đặc biệt là ngày 20-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg để giải quyết chính sách cơ bản về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống đặc biệt khó khăn. Quốc hội, Chính phủ khóa XIV, XV đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để thực hiện chính sách cho đồng bào DTTS và vùng miền núi giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, việc tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận chính sách có hệ thống sẽ giúp đồng bào nhận thức đúng, đầy đủ ý nghĩa, giá trị từng chính sách dân tộc.

Xây dựng phương thức tuyên truyền phù hợp

Tuyên truyền chủ trương, chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”. Tuyên truyền có 3 nội dung chủ yếu: Thông tin; giáo dục và vận động quần chúng; tổ chức quần chúng đi tới hành động. Vì vậy, kế hoạch tuyên truyền phải xác định rõ các vấn đề: nội dung, hình thức, đối tượng và phạm vi thực hiện. Những nguyên tắc cơ bản của công tác tuyên truyền là: tính Đảng, tính giai cấp; tính khoa học và thực tiễn; tính chân thật; tính chiến đấu và tính phổ thông, đại chúng. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền quy luật của “sinh tồn” để đồng bào nâng cao ý thức trách nhiệm đối với sự tồn tại và phát triển của bản thân họ.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/134588/nang-cao-hieu-qua-tuyen-truyen-trong-vung-dong-bao-dtts-bai-1