Nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Sáng 10.6, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đa số ý kiến đều đồng thuận, nhất trí cao với việc cần thiết phải sửa đổi luật. Với nhu cầu đổi mới phương thức quản lý dân cư; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD trong công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì việc sửa đổi luật hiện hành là cần thiết.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang thảo luận tại tổ sáng 10.6

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang thảo luận tại tổ sáng 10.6

Thảo luận tại phiên họp tổ về dự án Luật Căn Cước Công dân (sửa đổi) sáng 10.6, ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) cho biết: Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội Khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của Nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, với nhu cầu đổi mới phương thức quản lý dân cư; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD trong công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì cần sửa đổi luật hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế.

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu cho rằng, Luật Căn cước công dân là một trong những luật gắn bó mật thiết với người dân. Do đó, việc sửa đổi luật lần này cần thực hiện một cách triệt để, phù hợp với tình hình xã hội, đặc biệt là sự phát triển biến đổi của nền công nghệ Việt Nam và thế giới, đúng với đường lối của Đảng, Nhà nước, cũng như bảo đảm tính ổn định, bền vững.

Liên quan đến Điều 2, quy định về người gốc Việt Nam trong dự thảo luật, đại biểu khẳng định là hết sức đúng đắn, bởi những mối quan hệ, những quyền, nghĩa vụ của những đối tượng này đối với đất nước, dù họ không phải là công dân Việt Nam, nhưng đều từng hoặc có mối quan hệ với người đã từng là công dân Việt Nam. Tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cũng đã đưa ra khái niệm, định nghĩa rõ ràng về “người gốc Việt Nam”, khắc phục hoàn toàn nhược điểm của Luật Quốc tịch năm 2014 khi quy định về “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đối với những vấn đề mới như cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi, quản lý căn cước người gốc Việt Nam, các đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá tác động, giải trình rõ sự cần thiết và tính khả thi, tránh gây ra những sung đột về pháp luật, bảo đảm tính ổn định của văn bản luật.

Đặc biệt, liên quan đến việc bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, nhiều đại biểu cũng dành sự quan tâm vì đây là một trong những nội dung lớn của dự thảo Luật. Cụ thể, về quy định người được cấp thẻ căn cước (Điều 20), ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề xuất, cần nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi. Dù được cấp thẻ căn cước công dân, thì đối tượng dưới 14 tuổi khi thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha mẹ hoặc người giám hộ. Bản thân các đối tượng vẫn đang dùng giấy khai sinh trong các quan hệ giao dịch.

Thanh Mai

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/-nang-cao-hieu-qua-va-gia-tri-su-dung-cua-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-i332119/