Nâng cao hiệu quả xã hội hóa phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi

PTĐT - Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, góp phần tăng tỷ trọng và giá trị trong cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh...

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn về khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường, hướng dẫn cho người chăn nuôi ở Phù Ninh, chủ động đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, bền vững.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn về khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường, hướng dẫn cho người chăn nuôi ở Phù Ninh, chủ động đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, bền vững.

PTĐT - Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, góp phần tăng tỷ trọng và giá trị trong cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh đã gây thiệt hại không nhỏ đến ngành chăn nuôi. Để bảo vệ, phát triển chăn nuôi, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, bản thân người chăn nuôi cũng cần nâng cao ý thức chủ động bảo vệ tài sản của chính mình.

Xã hội hóa phòng chống dịch bệnh còn khó khăn
Từ năm 2018 trở về trước, trong các đợt tiêm phòng vacine phòng các loại bệnh dịch cho vật nuôi hàng năm, Nhà nước hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi một phần tiền vacine, chi phí vận chuyển, bảo quản, công tiêm phòng… Vì thế, không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các địa phương đã nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phó mặc việc phòng bệnh cho chính quyền và cơ quan chuyên môn. Ông Hà Quang Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Sơn cho biết: Từ những năm 2015 trở về trước, dù được hỗ trợ hầu như toàn bộ chi phí tiêm phòng song việc vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ cho rằng họ nuôi ít, chủ yếu để sử dụng làm thực phẩm trong gia đình nên không tiêm vacine. Sau khi một số loại bệnh dịch như lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng… phát sinh và lây lan, gây thiệt hại nặng thì nhận thức của người chăn nuôi mới có sự thay đổi. Đến nay, tỷ lệ người dân chủ động tiêm phòng các loại vacine trên đàn vật nuôi toàn huyện hàng năm đều đạt từ 85% trở lên.Cũng như huyện Tân Sơn, trước đây ở rất nhiều huyện khác như Hạ Hòa, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy… cũng đều xảy ra tình trạng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước của một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nên tình trạng trên đã giảm đáng kể.Ông Phan Bá Linh làm công tác thú y cơ sở ở xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy đánh giá: Trước đây, do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi nên vẫn chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai tiêm phòng. Vài năm trở lại đây, đại bộ phận người chăn nuôi trong xã đã chủ động tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc để bảo vệ đàn vật nuôi mà không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước như trước.Năm 2018, chương trình xã hội hóa tiêm phòng trong chăn nuôi được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trừ huyện Tân Sơn và một số xã của các huyện Thanh Sơn, Yên Lập được hỗ trợ một số loại vacine thì người chăn nuôi các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh phải trả toàn bộ chi phí vacine, công tiêm phòng…Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí khi dịch bệnh phát sinh trên diện rộng. Vì vậy, tỷ lệ tiêm phòng ở nhiều địa phương đã giảm so với những năm trước do một bộ phận người chăn nuôi vốn quen được Nhà nước hỗ trợ đã bỏ việc tiêm cho đàn gia súc, gia cầm của mình.Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất hiện nay của việc tiêm phòng chính là thiếu nhân lực, do mỗi xã chỉ có một người làm công tác thú y cơ sở phụ trách chính việc tiêm phòng, trong khi địa bàn rộng, quá trình tiêm họ đều phải đi bộ, đến từng ngõ, gõ từng nhà để vừa phổ biến, vận động, vừa triển khai công tác tiêm phòng nên tiến độ thực hiện tiêm phòng bị ảnh hưởng, nhiều địa phương không đạt tiến độ so với kế hoạch đã đề ra. Hơn nữa, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn khá lớn; lực lượng người làm công tác thú y cơ sở lại quá mỏng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và kết quả tiêm phòng.Nhiều nơi, các hộ dân còn chăn nuôi theo phương thức chăn thả. Trâu, bò thả trên đồi, núi xa nơi ở nên khi triển khai tiêm phòng phải thông báo trước để hộ chăn nuôi cho gia súc về chuồng nhốt mới tiến hành tiêm, dẫn đến thú y ở cơ sở bị động về thời gian tiêm phòng. Đối với gia cầm, đa phần cũng được chăn thả, tản mát ở vườn hoặc trên đồi, gây khó khăn, trở ngại cho cán bộ thú y trong quá trình thực hiện tiêm phòng.

Chủ động tiêm phòng cho đàn lợn đã giúp gia đình anh Hoàng Trọng Hưởng ở xã Bình Phú, huyện Phù Ninh đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát như hiện nay.

Chủ động tiêm phòng cho đàn lợn đã giúp gia đình anh Hoàng Trọng Hưởng ở xã Bình Phú, huyện Phù Ninh đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát như hiện nay.

Giải pháp tháo gỡTheo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến hết năm 2020, tổng đàn lợn của toàn tỉnh đạt trên 644,2 nghìn con; đàn gia cầm đạt trên 15,6 triệu con; đàn trâu đạt gần 60 nghìn con; đàn bò đạt gần 113 nghìn con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 181,3 nghìn tấn. Toàn tỉnh có 1.747 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô gia trại và trang trại; trong đó có 891 cơ sở chăn nuôi lợn; 655 cơ sở chăn nuôi gia cầm, còn lại là các loại khác.Tỉnh đã thu hút được 28 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có 19 dự án đã đi vào sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đã xuất hiện nhiều vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao ở các huyện Tam Nông, Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba, Cẩm Khê… cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong ngành chăn nuôi. Số lợn được nuôi tại các cơ sở chăn nuôi này chiếm trên 30% tổng đàn; số gia cầm chiếm 20% tổng đàn toàn tỉnh.Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, tất cả các trang trại, cơ sở chăn nuôi đều chủ động bảo vệ bởi đây là nguồn tài sản có giá trị kinh tế lớn. Nhiều trang trại đã phối hợp với một số doanh nghiệp để chủ động lực lượng thú y, kỹ thuật viên; nguồn thuốc, vacine…đảm bảo tiêm phòng đầy đủ từ khi bắt đầu vào đàn. Khó khăn chính là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tỷ lệ tiêm phòng một số loại vacine trong năm 2020 thấp hơn so với một số năm từ 2017 trở về trước.Để nâng cao hiệu quả xã hội hóa trong công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, một trong những giải pháp quan trọng nhất là công tác tuyên truyền. Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: Công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng trong xã hội hóa tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Hiện nay, việc tuyên truyền ở các địa phương vẫn chưa thực sự được chính quyền các cấp chú ý, chủ yếu vẫn do cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y, thú y viên cơ sở thực hiện, nội dung khô khan, chủ yếu thiên về kỹ thuật nên khó tạo được sự hấp dẫn đối với người dân. Chi cục đang nghiên cứu để tìm ra các giải pháp tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác, phù hợp với trình độ, tập quán chăn nuôi của từng địa phương để đạt được hiệu quả cao. Cùng với đó, việc áp dụng và thực hiện nghiêm Luật Thú y cũng cần tiếp tục được nâng cao, tuyên truyền rộng rãi đến những người chăn nuôi nhỏ lẻ bởi đại bộ phận người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay chưa hiểu, thậm chí chưa biết về Luật Thú y, Luật Chăn nuôi. Tiếp tục thực hiện tốt việc lấy mẫu và giám sát dịch bệnh tại các địa phương có nguy cơ cao; tồn lưu các ổ dịch bệnh cũ, nguy hiểm. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và tổ chức quản lý hệ thống trang trại, cơ sở chăn nuôi bằng công nghệ thông tin; truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi gắn với kiểm dịch động vật; kết quả tiêm phòng thông qua các phần mềm tin học…Xã hội hóa công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi là chủ trương đúng và phù hợp với phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học; tiến tới xóa dần việc chăn nuôi nhỏ lẻ, hạn chế được việc phát sinh và lây lan dịch bệnh; dành ngân sách cho việc đầu tư và phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, rất cần sự vào cuộc nhiệt tình, thiết thực của hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân để xã hội hóa phòng chống dịch bệnh chăn nuôi trở thành thói quen trong tiềm thức và hành động của người chăn nuôi.

QUÂN LÂM

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202103/nang-cao-hieu-qua-xa-hoi-hoa-phong-chong-dich-benh-trong-chan-nuoi-176095