Nâng cao hình ảnh người Thanh Hóa
Đề cập đến người Thanh Hóa một số tài liệu viết rằng, từ xưa người dân Thanh Hóa đã rất có nghĩa khí, bất khuất, can trường, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, nhưng cũng bộc trực, thẳng thắn đến mức quyết liệt; tự tôn, tự hào mạnh mẽ về bản thân và quê hương... Một số người còn gọi đó là 'tính cách Thanh Hóa'.
Trong giai đoạn hội nhập và phát triển mạnh mẽ hiện nay, người dân Thanh Hóa càng phải phát huy điều đó, nhưng cần hài hòa, có chọn lọc.
Liên quan đến chiến lược phát triển con người, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: “Phát triển văn hóa, xây dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 thì đề ra phương hướng... “phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”.
Để làm tốt điều đó, đòi hỏi mỗi người Thanh Hóa phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình; nhất là nhận thức đầy đủ điều được gọi là “tính cách Thanh Hóa”, để hành động phù hợp, tránh hiểu nhầm.
Hẳn chúng ta còn nhớ vì một bộ phận nhỏ người dân đề cao cái tôi quá mức, mà từng có một thời gian người lao động đến từ Thanh Hóa bị từ chối vào làm việc ở một số khu công nghiệp phía Nam. Cả việc có một bộ phận người địa phương khác khi đến du lịch hoặc đầu tư tại Thanh Hóa thường có tư tưởng dè chừng với người bản địa. Các cơ quan chức năng và chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh đã phải mất nhiều công sức trong thời gian dài mới làm thay đổi được cách nhìn này. Lẽ ra chúng ta phải chia sẻ điều đó, đồng hành có trách nhiệm để xây dựng hình ảnh đẹp về đất và người Thanh Hóa với bạn bè trong nước, quốc tế, thì đáng tiếc vẫn còn đó những hình ảnh không như mong muốn.
Đến giờ, sau 1 tuần diễn ra trận bóng đá giữa đội chủ nhà Viettel và Đông Á Thanh Hóa trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội), nhưng dư âm từ việc cổ động viên của đội bóng xứ Thanh phản ứng quá mức khi dùng loa tay nhiều lần diễu cợt trọng tài và công nghệ sử dụng video để hỗ trợ trọng tài (var) tại trận đấu vẫn còn được nhắc đến. Thậm chí có những bình luận thiếu thiện chí theo kiểu mượn gió bẻ măng, nói không hay về cái gọi là “tính cách người Thanh Hóa”.
Đây không phải lần đầu cổ động viên bóng đá Thanh Hóa có lời nói, việc làm không phù hợp. Năm 2013, cổ động viên đội bóng từng dọa giết trọng tài trong trận đội nhà gặp Xi măng Xuân Thành Sài Gòn. Năm 2017, nhiều cổ động viên đồng thanh chửi bới trọng tài Võ Minh Trí sau khi ông rút thẻ đỏ đuổi cầu thủ Uche Iheruome...
Thể thao là lĩnh vực được nhiều người quan tâm theo dõi, hiệu ứng xã hội lan tỏa rất lớn. Ở nhiều nơi, người dân và chính quyền còn tranh thủ các trận thi đấu thể thao để quảng bá đất và người địa phương. Thế nhưng, một số người lại thiếu kiềm chế, dẫn đến bị chê trách. Để xây dựng, nâng cao hình ảnh người dân Thanh Hóa không đòi hỏi chúng ta cải tạo con người, nhưng từng con người cần thay đổi nhận thức để khắc phục những hạn chế, xây dựng nên hình ảnh đẹp của người Thanh Hóa, từ đó tạo thêm sự thiện cảm, nể phục của bạn bè nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch... hiện thực các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/nang-cao-hinh-anh-nguoi-thanh-hoa/29233.htm