Nâng cao hình ảnh và vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế
Ngày 31/12/2021, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York đã diễn ra lễ hạ quốc kỳ đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ của 5 nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 gồm: Estonia, Niger, Saint Vincents & the Grenadines, Tunisia và Việt Nam.
Lực lượng gìn giữ hòa bình góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại buổi lễ, đại diện các nước đã thông tin về những thành công và đóng góp nổi bật của mình đối với công việc của Hội đồng Bảo an trong 2 năm nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc cũng như sự hợp tác và phối hợp của các nước trong Hội đồng Bảo an.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý khẳng định trong nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đạt được toàn bộ các mục tiêu, phương châm đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Những yếu tố quan trọng tạo nên thành công này là sự tham gia của cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo sát sao, tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Cấp cao của Đảng và Nhà nước; sự kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành hữu quan; sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong nước và sự tín nhiệm, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, hai năm gần như là khoảng thời gian dài nhất của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò tại một tổ chức quốc tế đa phương trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho việc đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 đã được tiến hành bài bản, công phu và bắt đầu ngay từ khi nước ta đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ đầu tiên tại Hội đồng Bảo an năm 2008-2009. 13 tháng trước khi diễn ra bầu cử, tháng 5/2018, nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc đã nhất trí đề cử Việt Nam, một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự tin tưởng và coi trọng của các nước trong khu vực đối với Việt Nam. Và đến ngày 7/6/2019, trong khuôn khổ khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu.
Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham dự phiên thảo luận về vấn đề Iraq. (Ảnh: Hữu Thanh- TTXVN).
Khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình, ông Jean-Pierre Lacroix đã đánh giá cao và kỳ vọng vào những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ an ninh, hòa bình của Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ là một nước Ủy viên năng động, hiệu quả trong Hội đồng Bảo an.
Không phụ sự kỳ vọng của các nước đối tác, bạn bè và cộng đồng quốc tế, trong hai năm tại Hội đồng bảo an, Việt Nam đã tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự Hội đồng Bảo an ở tất cả các khu vực; thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác, đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu; tìm giải pháp công bằng, hợp lý cho các vấn đề đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế...; xử lý các thách thức về hòa bình an ninh từ phòng ngừa xung đột, giải quyết xung đột đến xử lý hậu quả xung đột, trong đó nhấn mạnh vấn đề giải quyết hậu quả bom mìn; thúc đẩy các vấn đề nhân đạo... Việt Nam cũng có những đóng góp rất thiết thực khác đối với công việc của Hội đồng bảo an, như việc cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan vào cuối tháng 3/2021; lần đầu tiên triển khai Đại đội công binh tại Phái bộ UNISFA ở Abyei (Sudan/Nam Sudan)…Trong hai năm nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã đề xuất và được Hội đồng Bảo an thông qua hai Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; ba Tuyên bố Chủ tịch về Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc; Tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; một Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; Tuyên bố Hà Nội về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.Việt Nam cũng đã thúc đẩy một cách hiệu quả các sáng kiến khác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, như giới thiệu và thúc đẩy Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh; thành lập và đưa vào hoạt động Nhóm bạn bè Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) với hơn 113 nước tham gia; tái cử thành công vào Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2021-2026; vận động ứng cử vào các cơ quan Liên hợp quốc khác như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.Hai năm qua, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những thách thức “chưa từng có tiền lệ”, nhất là ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng kéo dài và gia tăng ở nhiều điểm nóng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Đông Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh… cùng với đó là hệ lụy đa chiều của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia... Trong bối cảnh đó, những đóng góp thực chất, thiết thực của Việt Nam vào công việc chung của Hội đồng bảo an đã để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương, đóng góp lớn vào tổng thể triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.Việt Nam đã khép lại nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 với nhiều dư âm đánh giá tích cực, đồng điệu với nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế. Thành công của Việt Nam trong nhiệm kỳ này một lần nữa làm sâu sắc thêm tình cảm và sự tin tưởng đó, góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của nước ta trong mắt bạn bè quốc tế.