Nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần đồng bào vùng dân tộc thiểu số

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. (ảnh chụp từ màn hình)

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. (ảnh chụp từ màn hình)

Sáng 30/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đồng chí Mai Xuân Bình, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì hội nghị.

Thường xuyên rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2024, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện; Nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào các các dân tộc thiểu số (DTTS), việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách trong năm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS&MN.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả về công tác dân tộc, nhất là công tác giảm nghèo cho đồng bào các DTTS. Đặc biệt đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình 1719).

Đồng chí Mai Xuân Bình, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí Mai Xuân Bình, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến 31/12/2024 của Chương trình 1719 đạt khoảng 12.560,692 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch, cao hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại. Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS trong năm bình quân đạt 3,7%, vượt mục tiêu kế hoạch giao. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS&MN đạt trung bình 54,1%, vượt so với mục tiêu kế hoạch giao...

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã bám sát và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành để chỉ đạo tổ chức triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn, bước đầu đạt được kết quả tích cực trong phát triển KT-XH của địa phương. Đáng chú ý, trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương đánh giá cao trong nỗ lực triển khai có hiệu quả công tác dân tộc, cùng với một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Sơn La, Sóc Trăng, Quảng Ninh...

Đại biểu thảo luận tại hội nghị. (ảnh chụp từ màn hình)

Đại biểu thảo luận tại hội nghị. (ảnh chụp từ màn hình)

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc thời gian qua. Đồng thời phân tích nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế, như: công tác xóa đói, giảm nghèo tuy có tiến bộ, song tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; công tác giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp. Tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình 1719 tại nhiều bộ, ngành và các địa phương nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra...

Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đã nêu một số đề xuất, kiến nghị đề nghị Chính phủ, Ủy ban Dân tộc quan tâm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách trong thực hiện Chương trình 1719. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng...

Theo tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, trong 7 nhóm mục tiêu của Chương trình 1719 có thể rà soát được, kết quả ước đến hết 31/12/2024 có 5 nhóm mục tiêu cơ bản đạt, gồm: giảm nghèo, giáo dục, y tế, đào tạo nghề và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; 2 nhóm mục tiêu chưa đạt, gồm: cơ sở hạ tầng và công tác định canh, định cư, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.

Cần quyết tâm cao chính trị và cả tâm huyết

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh một số thành tựu nổi bật trong thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc năm 2024, như công tác giảm nghèo, giáo dục và đào tạo; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở... Đồng chí khẳng định, đây là một bước tiến rất dài trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc thời gian qua.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác dân tộc và đánh giá cao tinh thần cầu thị, thẳng thắn kiểm điểm của Ủy ban Dân tộc đã nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế, đề ra bài học kinh nghiệm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Nhấn mạnh nhiệm vụ công tác dân tộc trong năm 2025 là rất lớn, là năm đóng vai trò là nền tảng thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến đồng bào vùng DTTS&MN trong cả giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, trước hết, những người làm công tác dân tộc cần xác định rõ quyết tâm cao chính trị và tâm huyết, trách nhiệm để tận tâm, tận tụy, làm việc hết mình, góp phần thực hiện thắng lợi công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc, nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng DTTS&MN.

Ủy ban Dân tộc sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, cần bám sát chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chương trình mục tiêu quốc gia để rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, tổ chức thực hiện. Trước mắt trong năm 2025 phải hoàn thành chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo. Thực hiện tổng kết giai đoạn 1, chuẩn bị khởi động giai đoạn 2 các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.

Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt công tác giải ngân vốn các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là nguồn vốn của Chương trình 1719. Trong đó các bộ, ngành có liên quan cần sớm tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí vốn cho các địa phương thực hiện các chương trình, chính sách thời gian tới. Trong đầu tư các dự án cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, manh mún, không phát huy được nguồn lực đầu tư của nhà nước cho vùng đồng bào DTTS&MN.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần chung tay vào cuộc, làm hết sức mình góp phần thực hiện thắng lợi công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Theo đồng chí, đây là chủ trương lớn của Đảng, luôn được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả.

Đồng chí thống nhất với 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện trong năm 2025 theo đề nghị của Ủy ban Dân tộc. Trong đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức, vận động bà con xóa bỏ tư tưởng, trông chờ, ỷ lại, tập quán sản xuất, thói quen sinh hoạt lạc hậu, tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời chủ động nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả, kinh nghiệm thiết thực trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc...

Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-hon-nua-doi-song-vat-chat-tinh-than-dong-bao-vung-dan-toc-thieu-so-235316.htm