Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong công tác PCCC
Sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, sự tham gia của mỗi người dân, mỗi gia đình và việc phát hiy hiệu quả các mô hình là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), hạn chế đến mức thấp nhất những vụ hỏa hoạn, thiệt hại có thể xảy ra.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 79 vụ cháy (trong đó có 45 vụ cháy nhỏ, gây thiệt hại không đáng kể) làm 4 người tử vong. Thiệt hại về tài sản ước tính gần 7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thiệt hại do cháy phương tiện giao thông, các xe chở hàng hóa... So với cùng kỳ năm 2023 giảm 38 vụ cháy; thiệt hại về người giảm 1 người tử vong. Tuy vậy hiệt hại về tài sản tăng hơn 1 tỷ đồng và mức độ nghiêm trọng của một số vụ hỏa hoạn xảy ra đã tăng lên so với những năm trước.
Các địa bàn xảy ra nhiều vụ cháy là: TP Thanh Hóa 26 vụ; huyện Quảng Xương 6 vụ; thị xã Bỉm Sơn, huyện Ngọc Lặc mỗi địa phương 5 vụ; TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Thọ Xuân mỗi địa phương 4 vụ; huyện Triệu Sơn 3 vụ... Bên cạnh đó, 24 vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà đơn lẻ; 10 vụ cháy phương tiện giao thông; 7 vụ cháy xảy ra tại nhà ở kết hơp sản xuất, kinh doanh; 3 vụ cháy tại kho, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh khác; 2 vụ cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke; các loại hình khác xảy ra 29 vụ...
Các vụ cháy nghiêm trọng như: Vào hồi 23h45' ngày 29/1, xảy ra cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (sửa xe máy) của gia đình ông Lê Ngọc T, tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc đã làm 3 người tử vong; thiệt hại về tài sản ước tính 90 triệu đồng. Vào hồi 8h33 ngày 16/8, xảy ra cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chăn, ga, gối, đệm) của gia đình ông Ngô Tiến T, tại thôn Trạch Trung (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương), làm 1 người tử vong. Bên cạnh đó vẫn còn xảy ra nhiều vụ cháy tại các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản và có nguy cơ gây cháy nổ cho các hộ nhà dân khác. Nguyên nhân của nhiều vụ cháy được xác định là do sự cố hệ thống thiết bị điện.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, công điện chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tăng cường hơn nữa công tác PCCC trên địa bàn toàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ hỏa hoạn và thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra. Qua theo dõi và báo cáo của Công an tỉnh, cho thấy nhiều sở, ngành, đơn vị theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách đã chủ động tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác PCCC&CNCH, hạn chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là chuẩn bị vào mùa khô và tập trung cho sản xuất, tích trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân dịp Tết Nguyên đán.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, nổ, sự cố xảy ra và hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy” - 4/10, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, công tác trọng tâm như: tăng cường quản lý nhà nước về PCCC&CNCH đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, khu dân cư, hộ gia đình, nhà cho thuê trọ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... Có biện pháp, giải pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở, hộ gia đình không thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH theo phương châm “Từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường, thị trấn an toàn, lấy phòng ngừa là cơ bản”.
Rà soát, xây dựng bổ sung, duy trì hoạt động mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”; Hướng dẫn 100% Tổ liên gia an toàn PCCC tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn; vận động 100% hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy; duy trì 100% hộ gia đình có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2; tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC và CNCH cho thành viên thứ 2 trong mỗi hộ gia đình... Đây được xem là những giải pháp cấp bách và cần thiết hiện nay để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư trong công tác PCCC và CNCH trong tình hình và theo yêu cầu mới hiện nay.
Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác PCCC trên địa bàn, qua đó có phương án xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Công an tỉnh, Phòng Cánh sát PCCC và CNCH tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức đợt cao điểm hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, tập trung đông người như: cơ sở kinh doanh, sản xuất, kho hàng hóa nằm trong các khu, cụm công nghiệp - làng nghề, khu tập trung đông dân cư, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành dệt, may, gỗ, xăng, dầu... Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Trong 9 tháng năm 2024, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC theo chuyên đề, định kỳ, đột xuất tại 3.057 lượt cơ sở, xử phạt 423 trường hợp với tổng số tiền phạt 6,464 tỷ đồng, Ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động 56 trường hợp.
Công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH 24/24h được tăng cường. Việc xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại các cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao một cách hiệu quả nhất; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thực hành diễn tập phương án chữa cháy có huy động nhiều lực lượng, người dân và phương tiện tham gia, qua đó nâng cao năng lực, kỹ năng tham gia PCCC và CNCH cho người dân khi xảy ra các vụ hỏa hoạn. Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và CNCH “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn tỉnh năm 2024 được tổ chức thành công cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp tỉnh được xem là đợt sinh hoạt quan trọng đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC tại cơ sở, khu dân cư.
“Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy” 4/10 năm 2024 được xem là dịp để các cấp các ngành, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá tình hình thực tế, hiệu quả công tác PCCC&CNCH tại địa phương, đơn vị mình từ đó có thực hiện các giải pháp cấp bách theo yêu cầu mới hiện nay như: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH cho người dân; nhân rộng và phát huy hiệu quả thực chất của các Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC&CNCH, các mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng; tăng cường phổ biến tới quần chúng nhân dân biết và tham gia học tập các kiến thức, kỹ năng về PCCC trên nền tảng số.
Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”. Xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH theo phương châm “bốn tại chỗ”; tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC dân phòng, PCCC cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác PCCC và CNCH.