Nâng cao khả năng dự báo xã hội trong hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị

Nâng cao khả năng dự báo là một trong những chức năng, yêu cầu hết sức quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung; cũng như hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị nói riêng. Nếu hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chính trị có khả năng dự báo xã hội kịp thời, đúng và trúng sẽ góp phần giúp cho Đảng và Nhà nước có những quyết sách sát hợp, tận dụng, khai thác một cách hiệu quả nhất các yếu tố thuận lợi, hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới.

Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại” - ảnh: HM

Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại” - ảnh: HM

DỰ BÁO XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG TỔNG KẾT THỰC TIỄN, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Trong tiến trình đi vào quỹ đạo hiện đại và phát triển của Việt Nam, vấn đề dự báo khoa học và nâng cao dự báo xã hội ngày càng đặc biệt quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Dự báo không chỉ cần thiết đối với các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, thị trường tiêu dùng, thị trường lao động, dân số, việc làm, môi trường, thiên tai..., mà cả những vấn đề thuộc về tư tưởng, thái độ, tâm lý, lối sống của con người cũng rất cần đến những dự báo xã hội (điều tra dư luận xã hội, dự báo xu hướng giá trị, thái độ hành vi, thay đổi chuẩn mực xã hội, lựa chọn nghề nghiệp,…).

Dự báo xã hội là một mục tiêu, chức năng đặc biệt của nghiên cứu khoa học nói chung và hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị nói riêng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị không chỉ đánh giá và phân tích tình hình kinh tế - xã hội một cách sâu rộng, mà còn có vai trò quyết định trong việc định hình tầm nhìn và mục tiêu phát triển của quốc gia, dân tộc. Trong điều kiện biến động phức tạp và mau lẹ của tình hình thế giới đương đại và những thay đổi trong nước trước xu thế khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, cần tăng cường công tác dự báo chiến lược để chủ động, không bị bất ngờ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và phân tích trong lĩnh vực này giúp làm sáng tỏ những tình huống phức tạp và khó khăn mà đất nước đang đối mặt. Nó cung cấp các ý tưởng sáng tạo và chiến lược phù hợp để đối phó với các thách thức và cơ hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Hiện nay, công tác dự báo xã hội một vai trò rất quan trọng để tham mưu cho Đảng hoạch định đường lối, chủ trương, tổ chức lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới. Dự báo tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển và các quy hoạch tổng thể, đồng thời cho phép xem xét khả năng thực hiện kế hoạch và hiệu chỉnh kế hoạch.Mục đích của công tác này là nghiên cứu, đánh giá và tiên lượng từ sớm, từ xa các biến động, các yêu cầu phát triển của thực tiễn; từ đó, chủ động phòng, chống, đẩy lùi và triệt tiêu các nguy cơ, gia tăng các yếu tố có lợi. Kết quả dự báo là nền tảng, cơ sở khoa học và lý luận, cung cấp hệ thống luận cứ quan trọng để Đảng hoạch định đường lối, chủ trương trong lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước đúng định hướng, đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội(1).

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Coi trọng nâng cao năng lực dự báo và ứng phó với các thách thức, diễn biến rất nhanh, khó lường của tình hình. Khi hoạch định đường lối, chủ trương, giải pháp phải bám sát và xuất phát từ thực tiễn, đánh giá tác động, cân đối, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng”(2).

Đánh giá vai trò của công tác dự báo xã hội, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Năng lực dự báo, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng được nâng lên rõ rệt... Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ mới, quan trọng. Việc Trung ương ban hành kịp thời, đồng bộ hệ thống văn bản trên hầu hết các lĩnh vực đã tạo cơ sở chính trị quan trọng để đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản pháp luật của Nhà nước để thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch, chương trình hành động sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị”(3).

Dù vậy, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, kịp thời. Việc ban hành nghị quyết của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nghị quyết còn chưa nghiêm, hiệu quả thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động. Chính vì vậy, bài học kinh nghiệm sâu sắc được Đại hội XIII của Đảng rút ra là, phải chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ(4). Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do công tác dự báo trong hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu mà thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, thiếu các dự báo về các vấn đề xã hội và môi trường. Khi nền kinh tế đòi hỏi phát triển bền vững và bao trùm, phạm vi của dự báo cần mở rộng, không chỉ gói gọn trong điều hành các vấn đề kinh tế, mà còn xem xét đến biến động của các yếu tố dư luận xã hội, địa - chính trị, môi trường, an ninh, trật tự. Việc thiếu hụt các dự báo này đang là trở ngại lớn trong hoạch định chính sách phát triển bền vững(5).

Bối cảnh quốc tế và yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển trên cơ sở phát huy tiềm năng, vị thế, điều kiện thực tiễn của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, thời đại. Do đó cần phải: “Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại(6)”. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược sẽ tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng, góp phần làm cho đất nước giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

GÓP PHẦN NÂNG CAO KHẢ NĂNG DỰ BÁO XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG TỔNG KẾT THỰC TIỄN, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Cán bộ, đảng viên tham quan khu trưng bày tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Cán bộ, đảng viên tham quan khu trưng bày tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị làm cơ sở nâng cao khả năng, chất lượng công tác nghiên cứu dự báo xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý các cấp đối với công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chính trị hướng đến mục tiêu cung cấp các dự báo xã hội. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền, cơ quan quản lý các cấp tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp về công tác dự báo xã hội nghiên cứu dự báo; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm đưa ra các dự báo xã hội kịp thời và có chất lượng.

Hai là, nâng cao tư duy, năng lực, trình độ dự báo của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị. Trong đó, đặc biệt chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tri thức khoa học, năng lực và phương pháp trong nghiên cứu dự báo xã hội hiện đại. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về tư duy, phương pháp nghiên cứu dự báo xã hội cho các tổ chức và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị. Đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh, điều kiện mới; có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ thỏa đáng các chuyên gia đầu ngành.

Ba là, tăng cường tư duy, lý thuyết, cách tiếp cận và phướng pháp nghiên đa ngành, liên xuyên ngành trong nghiên cứu dự báo xã hội của các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cụ thể. Đồng thời, cầnbảo đảm hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất của toàn bộ đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ mới trong thu thập thông tin để các cơ sở dữ liệu đầy đủ và kịp thời cập nhật như một kênh tham khảo, đối chiếu, so sánh với kết quả dự báo do hoạt động tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận chính trị đưa ra. Bảo đảm tính minh bạch của các số liệu, quy trình dự báo và công bố kết quả dự báo khoa học, giúp doanh nghiệp và người dân có thể giám sát quá trình dự báo và ra quyết định. Xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu và hệ thống phương pháp dự báo tiên tiến phục vụ công tác điều hành. Nâng cao nhận thức về vai trò của thông tin trong thời kỳ mới, bảo đảm xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác điều hành được thu thập trên nhiều hình thức (truyền thống và phi truyền thống) đa chiều, đa lĩnh vực, bảo đảm tính cập nhật liên tục nhằm phục vụ công tác điều hành vĩ mô. Đặc biệt quan tâm đầu tư cho hệ thống thông tin dự báo sử dụng công nghệ mới, nhằm khai thác tối đa lợi thế của thông tin và các kỹ thuật tiên tiến, các phương pháp dự báo hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu dự báo nhanh và kịp thời. Xây dựng công tác dự báo trên cơ sở dữ liệu lớn (big data) và thời gian thực (real-time) là một nội dung tiên quyết, bảo đảm thành công cho công tác dự báo trong dòng chảy phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi dữ liệu và xử lý dữ liệu trở thành yếu tố then chốt quyết định thành bại trong nhiều lĩnh vực(7).

Bốn là, xác định mục tiêu khả năng và chất lượng dự báo xã hội là một yêu cầu bắt buộc, cốt yếu và hàng đầu trong từng hoạt động tổng kết thực tiễn, đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cụ thể. Trên cơ sở đó mới thực sự nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với hoạch định chủ trương, đường lối theo hướng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá với các vấn đề cốt lõi của chiến lược cần hoạch định, nhất là nhận diện kịp thời các nguy cơ, thách thức lớn có tác động đến chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... của đất nước; giúp cho Đảng có khả năng hoạch định chiến lược theo hướng chủ động, tích cực, “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ” từ sớm, từ xa(8).

Năm là, tiếp tục đổi mới mô hình, phương thức, biện pháp tổ chức thực hiện tổng kết thực tiễn của các cơ quan, ban ngành, địa phương gắn với tăng cường kết nối, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các dự báo xã hội. Phát huy tối đa công năng, hiệu quả trong tổ chức tổng kết thực tiễn với việc huy động trí tuệ tập thể của các cơ quan chuyên môn và chuyên gia tham gia trong hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị nhằm đưa ra các dự báo xã hội kịp thời, phù hợp, hoàn chỉnh, có chất lượng cao, cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sáu là, thúc đẩy việc phát triển hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển và phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp làm công tác dự báo xã hội của đất nước. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo cần chú trọng trang bị một số kỹ năng cơ bản trong phân tích vấn đề được dự báo cũng như nâng cao kỹ năng thực hành công tác dự báo; cần cập nhật liên tục các phương pháp và mô hình tiên tiến trên thế giới. Có phương án triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ để đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, phân tích, dự báo nhanh chóng tiếp cận được với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các phương pháp, công cụ dự báo hiện đại, liên ngành. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, quản lý các cấp cần quan tâm chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu dự báo (trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội...); đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu dự báo trong nước và nước ngoài trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu dự báo./.

Nâng cao năng lực dự báo chiến lược sẽ tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng, góp phần làm cho đất nước giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

TS. Đỗ Văn Quân
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

------

(1) (4) (8) Lại Xuân Môn: Nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, 2022, https://www.tapchicongsan.org.vn

(2) (3) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, t.II, tr. 232, 165-167, 180.

(5) (7) Lê Minh Khái: Nâng cao năng lực dự báo để phục vụ hiệu quả công tác điều hành kinh tế vĩ mô, 2023, https://www.tapchicongsan.org.vn.

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/nang-cao-kha-nang-du-bao-xa-hoi-trong-hoat-dong-tong-ket-thuc-tien-nghien-cuu-khoa-hoc-ly-luan-chinh-tri-156353