Nâng cao khả năng hoạt động thực tế của nhân lực du lịch
Nhiều năm qua, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam vẫn thiên về lý thuyết, thiếu thực hành dẫn đến khả năng tiếp cận thực tế, thích nghi với môi trường làm việc của người lao động chưa cao. Để từng bước thay đổi, một số mô hình mới đã được triển khai nhằm gia tăng năng lực 'thực chiến' cho đội ngũ này.

Trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của người Dao ở bản Miền (huyện Ba Vì). (Ảnh: GIANG NAM)
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, đào tạo thực hành chính là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời là Hiệu trưởng Trường Quản trị khách sạn quốc tế Imperial (IIHC) - đơn vị tiên phong tại Việt Nam áp dụng mô hình “hotel school” - trường trong khách sạn, ông Hùng cho biết, mô hình này chính là lời giải khả quan để sinh viên được cọ xát với môi trường nghề nghiệp thực tế ngay từ những ngày học đầu tiên. Chương trình tại IIHC quy định rõ 30% thời lượng là lý thuyết, còn 70% là thực hành ngay tại khách sạn đang vận hành, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu giàu kinh nghiệm.
Đáng chú ý, việc giảng dạy tại trường được thực hiện 100% bằng tiếng Anh, cho nên kiểm soát rất kỹ ở đầu vào tuyển sinh cũng như cam kết về chất lượng đầu ra. Bên cạnh văn bằng do trường cấp, học viên sau tốt nghiệp còn nhận được bằng của tổ chức NCFE (Vương quốc Anh), có giá trị chuyển tiếp và cơ hội làm việc toàn cầu. Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng mong muốn mô hình này có thể được nhân rộng để nhiều sinh viên có cơ hội học tập, làm việc với các chuyên gia uy tín trong ngành quản trị khách sạn trên toàn thế giới.
Cũng theo hướng đẩy mạnh thực hành trong đào tạo, nhưng Công ty Hanoi Tourism lại triển khai mô hình “doanh nghiệp trong trường học”. Tổng Giám đốc Hanoi Tourism Nhữ Thị Ngần cho hay, từ năm học 2024-2025, công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm thực hành nghiệp vụ lữ hành đặt trong trường đại học. Mô hình này cho phép sinh viên được học và thực hành dựa trên dữ liệu thật của doanh nghiệp ngay tại nhà trường, được thực tập thực tế tại doanh nghiệp.
Hiện có 8 Giám đốc, 1 Phó Tổng Giám đốc cùng các Trưởng bộ phận của Hanoi Tourism đang trực tiếp giảng dạy, giúp sinh viên tham gia quá trình sáng tạo sản phẩm, vận hành tour, marketing, tư vấn khách hàng… Kết thúc quá trình, sinh viên được cấp chứng nhận làm việc, có thể hòa nhập ngay với thị trường lao động. Theo bà Ngần, đây là hướng đi hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm nhiều thời gian cho sinh viên, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
“Du lịch là ngành luôn có nhiều biến động và doanh nghiệp chính là đối tượng chịu tác động đầu tiên từ những thay đổi của thị trường. Các địa phương, trường học nên hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo vì họ sẽ đưa ra những bài học từ chính thực tiễn nghề nghiệp của mình”, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism nhấn mạnh.
Lựa chọn hướng tiếp cận dựa trên chuẩn đầu ra của người học, Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội áp dụng mô hình đào tạo thực hành dựa trên năng lực (CBT); sinh viên được rèn luyện, đánh giá thông qua các tình huống, dự án thực tế và quá trình thực tập tại doanh nghiệp.
Để triển khai mô hình này, bên cạnh học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng giảng viên, nhà trường còn xây dựng mối quan hệ hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp, bao gồm các khách sạn 4-5 sao, công ty lữ hành quốc tế, khu nghỉ dưỡng cao cấp...
Nhờ đó, hơn 90% số sinh viên đã có việc làm trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp, trong đó 30% được tuyển dụng ngay tại nơi thực tập; sinh viên ra trường có khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc thực tế, giảm thời gian đào tạo lại tại doanh nghiệp.
Sự xuất hiện của những mô hình trên không chỉ cho thấy nỗ lực của các đơn vị đào tạo, sử dụng lao động mà còn khẳng định đẩy mạnh đào tạo thực hành chính là xu thế, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch hiện nay. Tuy nhiên, sự vận hành bước đầu của những mô hình này từ một số đơn vị mới chỉ đáp ứng phần nào “cơn khát” nhân lực của thị trường, cần có thêm sự “bắt tay” chặt chẽ ở phạm vi rộng giữa các bên liên quan để nhân lên những mô hình hiệu quả. Và theo các chuyên gia, cũng cần có thêm những giải pháp ở tầm vĩ mô để tăng cường chất lượng đào tạo đội ngũ lao động du lịch trên diện rộng.
Trên thực tế, nguồn lực của doanh nghiệp du lịch có hạn, lại phải tập trung vận hành kinh doanh, cho nên việc tăng cường hàm lượng đào tạo thực hành không thể trông chờ hoàn toàn vào doanh nghiệp.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ-Du lịch (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, các cơ sở đào tạo cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và AI để tạo ra những mô hình thực hành ảo, thực hành mô phỏng cho sinh viên kết hợp với thực hành có hướng dẫn của giảng viên và doanh nghiệp, giúp người học có thể hoàn thiện năng lực nghề nghiệp ngay trong môi trường sư phạm.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành, Giám đốc nhân sự Khách sạn Pan Pacific Hà Nội Vũ Thị Mai nhận thấy: Sinh viên theo học hệ trung cấp, cao đẳng nắm kỹ năng nghề khá vững nhưng thường yếu ở khả năng phân tích, trình bày, lập luận. Trong khi đó, sinh viên đại học có nền tảng lý luận tốt nhưng lại thiếu sự va chạm nghề nghiệp thực tế. Vì thế, nếu có thể kết nối hệ thống cơ sở đào tạo thực hành của bậc trung cấp, cao đẳng với hệ thống lý luận của bậc đại học sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực để người học được đào tạo bài bản, toàn diện kỹ năng.