Nâng cao khả năng nhận diện và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vừa qua, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng ta diễn ra trong bối cảnh và yêu cầu mới, phức tạp và quyết liệt hơn. Các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều phương thức để tấn công vào các nội dung cơ bản tạo nên nền tảng tư tưởng của Đảng: Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, việc sử dụng những luận cứ khoa học, thuyết phục để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của chúng là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Bảo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: Bảo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Với tinh thần kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc giành những thắng lợi vĩ đại, tiếp đến công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[9]. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không từ một thủ đoạn nào để chống phá, bôi nhọ, thậm chí xuyên tạc những thành quả cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, Đảng đã ban hành Nghị quyết 35-NQ/TW (22/10/2018) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, để đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng. Bài viết nhận diện những nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta của của các thế lực thù địch; cũng như phương thức chống phá của chúng; từ đó đưa ra các luận cứ, luận điểm khoa học đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên một số lĩnh vực cơ bản.

2. Các thế lực thù địch tăng cường xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

2.1. Nội dung xuyên tạc, chống phá

Thứ nhất, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê nin

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tung ra các luận điệu phủ nhận thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Chúng tuyên truyền cho quan điểm duy tâm, phủ nhận vai trò của con người, dẫn đến phủ nhận vai trò của quần chúng nhân dân, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai, tiền đồ của đất nước, con đường lên chủ nghĩa xã hội.

Chúng phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác, cho rằng giai cấp tư sản không hề bóc lột giai cấp công nhân. Trong nền sản xuất hiện đại đã sử dụng nhiều robot - người máy, các dây chuyền sản xuất tự động hóa, người công nhân được sử dụng rất ít, cho nên các giá trị thặng dư bây giờ là do robot - người máy, các dây chuyền sản xuất tự động hóa làm ra.

Bên cạnh đó, chúng đồng nhất sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, nghĩa là sự sụp đổ lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đại diện cho quan điểm này là triết gia tân bảo thủ Francis Fukuyama với công trình nổi tiếng “Sự cáo chung của lịch sử và người cuối cùng” xuất bản năm 1992, trong đó cho rằng, cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của bức tường Berlin thì cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng như là động lực của sự tiến bộ nhân loại đã đến hồi kết với thắng lợi cuối cùng thuộc về nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường.

Thứ hai, phủ nhận vai trò và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự lãnh đạo của Đảng từ lâu đã là đối tượng chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Chúng xuyên tạc đường lối, phủ nhận Cương lĩnh của Đảng. Gần đây, các thế lực thù địch đưa ra luận điệu: Các cương lĩnh, văn kiện thể hiện sự “chuyên quyền”, “độc đoán”, “đảng trị”, thể hiện “sự chuyên chính một đảng”, “sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu”…

Cùng đó, chúng xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu vĩ đại của của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Luận điệu của chúng là: “Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc đảo chính”, là “sự ăn may” khi đã có “khoảng trống quyền lực”. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975) là một sai lầm, không nhất thiết phải tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng, sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế kém phát triển,…

Thứ ba, phủ nhận giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh

Các quan điểm sai trái, thù địch luôn tìm cách bịa đặt bôi đen, xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự du nhập tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam: “Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lê nin với thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm” [1; tr.25]. Chúng cố tình đổ lỗi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra cảnh chết chóc đau thương cho dân tộc, khiến Việt Nam: “mãi mãi trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo hèn, lạc hậu” [3; tr.26].

2.2. Phương thức, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá

Để thực hiện âm mưu chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thực hiện nhiều phương thức khác nhau như:

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động hợp pháp, hoặc nửa hợp pháp kết hợp với bất hợp pháp để chống phá; trong đó nguy hiểm nhất là dùng các hình thức hợp pháp, như thông qua “góp ý kiến” xây dựng Đảng, xây dựng Cương lĩnh, các văn kiện, nghị quyết, Hiến pháp, pháp luật, gửi cái gọi là “thư ngỏ” cho Trung ương và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng; sau đó biên soạn thành tài liệu phát tán rộng rãi ở trong và ngoài nước, công khai hóa quan điểm chống đối.

Thứ hai, tìm cách móc nối, hỗ trợ các phần tử cơ hội chính trị, chống đối viết bài và phát tán nhiều tài liệu xuyên tạc, công kích chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng ta. Đặc biệt, chúng móc nối, sử dụng cả những đối tượng cán bộ đương chức, cán bộ lão thành, tướng lĩnh đã nghỉ hưu, thành phần chống đối trong văn nghệ sĩ, để viết bài tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, gây hoang mang dư luận, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Thứ ba, lợi dụng triệt để ưu thế vượt trội của các phương tiện truyền thông xã hội, mạng xã hội,… để biến thành công cụ đắc lực phục vụ chống phá, tấn công vào những vấn đề mang tính then chốt, nguyên tắc của Đảng ta. Chúng lợi dụng các trang mạng xã hội, nhất là facebook, youtube… huy động blogger và báo chí phương Tây, hệ thống phương tiện của bọn phản động… để tuyên truyền, kích động, chống phá, xuyên tạc những thành tựu và Việt Nam đạt được trong 35 năm Đổi mới.

Thứ tư, bịa đặt, đổi trắng thay đen một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với một bộ phận đảng viên thoái hóa, biến chất, phủ nhận nền tảng tư tưởng và công lao của Đảng, quy chụp mọi sai lầm, khuyết điểm về cho Đảng, lấy hiện tượng thay cho bản chất.

3. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tăng cường thông tin tích cực, đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên không gian mạng, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Để tiếp tục tinh thần trên, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định cần phải: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” [4; tr.183].

Nội dung trên cho thấy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của các tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và của tất cả mọi tầng lớp nhân dân.

4. Những nội dung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch 4.1. Đấu tranh, phản bác quan điểm phủ nhận tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin

Thực tiễn loài người đã chứng minh C.Mác là người đầu tiên trong lịch sử triết học của nhân loại tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Thế giới quan duy vật biện chứng khẳng định tính khách quan của mọi sự vận động, biến đổi, là quan điểm vô thần khoa học, khẳng định tính tích cực, chủ động của con người với tư cách là chủ thể của lịch sử. Chính quan niệm duy vật về lịch sử này đã chấm dứt quan niệm duy tâm vẫn thống trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị.

Hiện nay, dù robot - người máy, các dây chuyền sản xuất tự động hóa được sử dụng nhiều nhưng người công nhân - người lao động vẫn là người duy nhất làm chủ quá trình sản xuất vật chất nói chung, quá trình sản xuất ra chính các robot - người máy, các dây chuyền sản xuất tự động nói riêng. Các robot - người máy, các dây chuyền sản xuất tự động có thông minh đến đâu chăng nữa thì cũng chỉ là sản phẩm của chính người công nhân - người lao động, và chúng chỉ phát huy tác động thông qua lao động sản xuất của người công nhân. Cho nên những giá trị thặng dư vẫn do người công nhân làm ra và bị nhà tư bản chiếm đoạt.

Chúng ta thấy rằng: Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu (trước đây) chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chứ không phải do chủ nghĩa Mác - Lênin hay lý tưởng về chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời, lạc hậu. Mặc dù, chủ nghĩa tư bản đạt được những thành tựu to lớn nhưng chủ yếu đem lại lợi ích cho giai cấp tư sản, mà không vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Những mâu thuẫn nội tại và đối kháng trong xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ giải quyết bằng con đường tất yếu là cách mạng xã hội chủ nghĩa.

4.2. Đấu tranh, phản bác quan điểmphủ nhận vai trò và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thực tiễn ở Việt Nam, không có lực lượng nào đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), các phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ như: Phong trào Cần Vương (1885 - 1896), phong trào đấu tranh của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… nhưng tất cả đều không thành công vì thiếu một đường lối chính trị đúng đắn. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã quy tụ được sức mạnh của tất cả các giai cấp, tầng lớp và chính Nhân dân đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người dẫn dắt mình đến tương lai hạnh phúc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là do đường lối đấu tranh đúng đắn của Đảng khi kết hợp hai nhiệm vụ chống đế quốc với chống phong kiến, sự chuẩn bị lực lượng chính trị và quân sự kỹ lưỡng, biết chớp thời cơ nhanh chóng khi Nhật đầu hàng, đã phát động Nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền chỉ trong vòng hai tuần lễ. Cách mạng nổ ra và thắng lợi bởi sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, chứ không phải do may mắn nào cả.

Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể Nhân dân Việt Nam thực sự được làm chủ cuộc sống của mình, được sống trong tự do, hạnh phúc.

4.3. Đấu tranh phản bác quan điểmphủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã được UNESCO ghi nhận, có khả năng vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin chính là nguồn gốc quan trọng dẫn tới hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Về mặt logic, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Đi theo con đường cách mạng vô sản, đất nước ta từ chỗ mất nước đã thành một quốc gia độc lập, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người chủ đất nước, kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã mở ra cho dải đất hình chữ S.

Đi theo con đường lên chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, dưới sự lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, Nhân dân đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau gần 40 năm Đổi mới đất nước. Điều đó càng chứng tỏ tính đúng đắn, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

5. Kết luận

Có thể nói rằng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị bằng nhiều phương thức khác nhau đã liên tiếp tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng: Phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, vai trò và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng soi đường của các Nghị quyết của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã trở thành nhiệm vụ chính trị cao cả của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Với những luận cứ khoa học, xác thực; chúng ta đã phản bác có hiệu quả các quan điểm xuyên tạc, chống phá. Tuy nhiên, chắc chắn chúng không dừng lại, các phương thức, nội dung chống phá sẽ tiếp tục mở rộng. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác, coi đấu tranh bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng là việc thường xuyên, liên tục, với tinh thần “còn Đảng là còn mình”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Hà Nội, 2021.

3. Nguyễn Bá Dương: “Không thể phủ nhận giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong sách Cục Quân huấn, Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội; tr.26.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Kế hoạch của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW Của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Hà Nội.

7. Nghị quyết 35 của Đảng tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/nghi-quyet-cua-chinh-phu/nghi-quyet-so-35nq-cp-ngay-0462019-cua-chinh-phu-ve-tang-cuong-huy-dong-cac-nguon-luc-cua-xa-hoi-dau-tu-cho-phat-trien-5446

8. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022), Sổ tay Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội,

9. https://vtv.vn/chinh-tri/voi-tat-ca-su-khiem-ton-chung-ta-van-co-the-noi-rang-dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-20210126121805801.htm

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh*

TS. Lưu Ngọc Long**

* Phó Trưởng Khoa Lý luận chính trị và KHXHNV, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

**Giảng viên Khoa Lý luận chính trị và KHXHNV, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich/nang-cao-kha-nang-nhan-dien-va-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-trong-tinh-hinh-moi-56020.html