Nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho chuỗi giá trị cà phê Tây Bắc

Ngày 21/8, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án CRAS nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho chuỗi giá trị cà phê Tây Bắc.

Dự Hội nghị, có lãnh đạo Cục trồng trọt, Vụ hợp tác Quốc tế, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn; lãnh đạo GIZ và Dự án CRAS tại Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên.

Về phía tỉnh Sơn La, có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; UBND các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố; Hiệp hội cà phê - ca cao, Hiệp hội cà phê Sơn La, đại diện các doanh nghiệp, HTX và các hộ tham gia dự án tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La của Việt Nam, xem xét tác động của Covid-19” (CRAS) do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ tại Cam-pu-chia và Việt Nam. Dự án CRAS hợp phần tại Việt Nam, được phối hợp thực hiện với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Hội nghị tổng kết Dự án CRAS nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho chuỗi giá trị cà phê Tây Bắc.

Hội nghị tổng kết Dự án CRAS nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho chuỗi giá trị cà phê Tây Bắc.

Triển khai từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2024, tại 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, dự án đã cho ra đời bộ tài liệu TOT (đào tạo giảng viên) và TOF (đào tạo nông dân) xây dựng riêng cho canh tác cà phê Arabica Tây Bắc; tổ chức tập huấn và thực hành về sản xuất cà phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nâng cao năng lực cho 3.500 hộ sản xuất quy mô nhỏ; xây dựng 3 mô hình vườn ươm, 16 ha vườn đầu dòng giống cà phê mới năng suất cao...

Đại diện các HTX, doanh nghiệp nêu ra những bài học kinh nghiệm trong hình thành liên kết theo chuỗi giá trị; quản lý hiệu quả chất thải trong sản xuất cà phê; tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho người dân trồng cà phê; thúc đẩy sản xuất cà phê cao cấp và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn...

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Công bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức đã trang bị cho người nghèo những kỹ năng cần thiết, giúp nông dân phát triển sản xuất cà phê hiệu quả, tăng cường liên liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, HTX và nông hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đồng chí khẳng định, tỉnh Sơn La luôn sẵn sàng chào đón, thúc đẩy hợp tác với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức và các tổ chức khác, nhằm tiếp tục phát triển ngành sản xuất và chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê của địa phương.

Bà Mi-ke-a Bau-ơ, Giám đốc quốc gia GIZ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Bà Mi-ke-a Bau-ơ, Giám đốc quốc gia GIZ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, bà Mi-ke-a Bau-ơ, Giám đốc quốc gia GIZ Việt Nam nhấn mạnh: Dự án CRAS triển khai tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên đã từng bước nâng cao năng lực các nhóm hộ nông dân trong sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện liên kết hợp tác giữa các hộ nông dân quy mô nhỏ với các công ty thu mua, chế biến cà phê, thúc đẩy thực hành các biện pháp canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án CRAS tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp, đề xuất của người sản xuất. Từ đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch hỗ trợ ngành hàng cà phê phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tọa đàm “Yêu cầu thị trường đối với ngành cà phê - thách thức và cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam và Tây Bắc”

Tọa đàm “Yêu cầu thị trường đối với ngành cà phê - thách thức và cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam và Tây Bắc”

Tại hội nghị, còn diễn ra Tọa đàm "Yêu cầu thị trường đối với ngành cà phê - thách thức và cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam và Tây Bắc". Các đại biểu đã phân tích thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, chế biến cà phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chia sẻ cách thức sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả doanh nghiệp và người sản xuất; Sắc lệnh của Liên minh Châu Âu, trong đó, có nội dung không cho phép sản phẩm cà phê nhập khẩu vào châu Âu nếu việc sản xuất cà phê gây phá rừng, suy thoái rừng (EUDR)…

Đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần cà phê Detech.

Đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần cà phê Detech.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nang-cao-kha-nang-thich-ung-bien-doi-khi-hau-cho-chuoi-gia-tri-ca-phe-tay-bac-QvGrcrCSg.html