Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
Phát triển xanh là nền tảng để Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26.
Phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam xác định trong những năm qua và đặc biệt nhấn mạnh, làm rõ cho giai đoạn tới.
Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam đã xác định chủ trương “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và nền kinh tế”.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã xác định mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hiện nay trong lĩnh vực năng lượng, dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), hộ sản xuất, hộ gia đình tập trung vào năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng đạt gần 2,5 tỷ USD; công suất đặt nguồn điện của khối tư nhân năm 2021 đạt 34.139 MW, chiếm 42,3%; dư nợ cấp tín dụng xanh tính đến cuối tháng 6/2023 chiếm hơn 4,2%/tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó tập trung vào: Lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo với hơn 45%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh; nông nghiệp xanh chiếm hơn 31%/tổng dư nợ tín dụng xanh.
Những kết quả của khu vực kinh tế tư nhân tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian qua đã góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy vậy, để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh, các bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính theo tinh thần Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, giao thông thông minh, phương tiện vận tải sử dụng điện tái tạo, y tế thông minh, du lịch thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 52; chủ động tích cực tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng theo tinh thần Nghị quyết số 29 về tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Ngoài ra, tạo mọi điều kiện để khu vực tư nhân đi tiên phong trong chủ động, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Xây dựng cơ chế hỗ trợ linh hoạt, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân chủ động, tích cực tham gia và thích ứng nhanh với yêu cầu mới hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hiện thực các cam kết quốc tế của Việt Nam về mục tiêu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời, cũng cần xây dựng, bổ sung những cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân trước tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.
Đặc biệt, cần tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh; xây dựng Bộ tiêu chí KPI đánh giá phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân.