Nâng cao kiến thức và kỹ năng phiên dịch đối ngoại, đáp ứng yêu cầu của ngành Ngoại giao trong thời đại mới
Sáng 19/5, Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại khai mạc khóa đào tạo kỹ năng phiên dịch đối ngoại dành cho mạng lưới cộng tác viên (mở rộng) của Bộ Ngoại giao.
Đây là chương trình thường niên do Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại (Vụ Biên phiên dịch đối ngoại trước đây) phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ tổ chức dành cho mạng lưới cộng tác viên của Bộ Ngoại giao; cũng là khóa đầu tiên sau khi Vụ Biên phiên dịch đối ngoại hợp nhất với Cục Lễ tân Nhà nước, mở đầu cho chuỗi hoạt động đào tạo về biên phiên dịch trong năm 2025.
Theo Đại sứ, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại Phạm Bình Đàm, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, công tác đối ngoại nói chung và công tác biên phiên dịch đối ngoại nói riêng đóng vai trò ngày càng quan trọng. Đội ngũ biên phiên dịch đối ngoại là lực lượng then chốt, góp phần vào thành công của các hoạt động đối ngoại cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Đại sứ, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại Phạm Bình Đàm nhấn mạnh, đội ngũ biên phiên dịch đối ngoại là lực lượng then chốt, góp phần vào thành công của các hoạt động đối ngoại cấp cao của Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Quang Hòa)
Đại sứ, Cục trưởng Phạm Bình Đàm thông tin, hiện nay, mạng lưới cộng tác viên của Bộ Ngoại giao là mạng lưới biên phiên dịch đông đảo và nhiều ngôn ngữ với tổng cộng 81 người và 19 ngôn ngữ. Đây là lực lượng nòng cốt phục vụ Lãnh đạo cấp cao tại nhiều sự kiện đối ngoại trọng đại. Đặc biệt, trong năm 2024, các cộng tác viên đã trực tiếp tham gia gần 300 cuộc dịch cấp cao, góp phần vào thành công của nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
"Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ Ngoại giao luôn chú trọng việc thường xuyên nâng cao kiến thức và kỹ năng phiên dịch đối ngoại cho các cán bộ và cộng tác viên làm công tác phiên dịch nhằm đáp ứng các yêu cầu mới", Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại chỉ rõ.

Các học viên tham dự khóa đào tạo kỹ năng phiên dịch đối ngoại dành cho mạng lưới cộng tác viên (mở rộng) của Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Quang Hòa)
Cục trưởng Phạm Bình Đàm cũng cho biết, khóa đào tạo giúp các học viên tiếp cận kiến thức phiên dịch đối ngoại cơ bản, các kỹ năng cần thiết trong phiên dịch nối tiếp, thực hành phiên dịch nối tiếp và giới thiệu về phiên dịch song song, cũng như trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về phiên dịch đối ngoại trong bối cảnh mới.
Đặc biệt, khóa học lần này không chỉ dành cho cán bộ thuộc mạng lưới công tác viên biên phiên dịch của Bộ, mà còn hướng tới các cán bộ có nguyện vọng tham gia mạng lưới và các cán bộ trẻ cần sử dụng kỹ năng phiên dịch trong công việc.
"Cụm từ “cộng tác viên (mở rộng)” trong tên của khóa học hôm nay cũng phản ánh đúng tinh thần này - mở rộng về đối tượng, kế thừa kinh nghiệm và phát triển lực lượng kế cận", Cục trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Diệu Hà, Trưởng phòng Đào tạo và tuyển dụng, Vụ Tổ chức Cán bộ, cho biết lớp bồi dưỡng kỹ năng phiên dịch đối ngoại là một trong những nội dung thuộc kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thường niên của Bộ Ngoại giao.
Trước đây, công tác này từng được Trung tâm Biên phiên dịch quốc gia, sau đó là Vụ Biên phiên dịch đối ngoại triển khai rất hiệu quả. Trong bối cảnh mới, khi Bộ Ngoại giao tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ban Đối ngoại Quốc hội, đồng thời tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đối ngoại hiện nay không chỉ thực hiện chuyên môn chính mà còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác, trong đó có biên phiên dịch.
Theo bà Nguyễn Diệu Hà, mạng lưới biên phiên dịch của Bộ trải rộng, bao gồm nhiều ngôn ngữ. Các ngôn ngữ chính do Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại phụ trách, nhưng với những ngôn ngữ hiếm hơn vẫn cần sự hỗ trợ của mạng lưới cộng tác viên từ nhiều đơn vị trong Bộ. Do đó, việc đông đảo cán bộ đăng ký tham gia lớp học ngày hôm nay thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng đam mê và sự cầu thị trong công tác biên phiên dịch.

Khóa học lần này không chỉ dành cho cán bộ thuộc mạng lưới công tác viên biên phiên dịch của Bộ Ngoại giao, mà còn hướng tới các cán bộ có nguyện vọng tham gia mạng lưới và các cán bộ trẻ cần sử dụng kỹ năng phiên dịch trong công việc. (Ảnh: Quang Hòa)
Thay mặt Vụ Tổ chức Cán bộ, bà Nguyễn Diệu Hà bày tỏ tin tưởng, với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm từ Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại, các học viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và cập nhật những kỹ năng cần thiết, từ đó phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn.
Cũng trong khuôn khổ lễ khai mạc, bà Chu Thu Phương, cán bộ Cục Ngoại vụ và Ngoại giao Văn hóa, đã đại diện học viên chia sẻ cảm nghĩ. Chị Phương nhận định, đây là hoạt động thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn của cán bộ làm công tác đối ngoại, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng gia tăng và yêu cầu về chất lượng phiên dịch ngày càng cao.
"Lớp học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các cán bộ chưa từng có nhiều kinh nghiệm phiên dịch, giúp họ không chỉ rèn luyện phản xạ ngôn ngữ mà còn nắm được nhiều kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng mang tính chất quyết định trong thực tiễn", bà Phương chia sẻ.
Ngoài ra, bà cũng bày tỏ mối quan tâm của nhiều học viên về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với nghề phiên dịch. Theo đó, bà mong muốn trong quá trình học, các giảng viên sẽ giúp học viên hiểu rõ hơn về vai trò và triển vọng của người làm công tác biên phiên dịch trong thời đại mới, cũng như cách thích ứng để giữ vững giá trị của nghề nghiệp trước làn sóng công nghệ.
Khóa đào tạo kỹ năng phiên dịch đối ngoại dành cho mạng lưới cộng tác viên (mở rộng) lần này có 20 học viên, với 9 ngôn ngữ (Anh, Đức, Hàn, Nhật, Khmer, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung) từ 8 đơn vị trong Bộ. Trong đó có 3 đối tượng chính: Cán bộ thuộc mạng lưới cộng tác viên biên phiên dịch của Bộ Ngoại giao; cán bộ có nguyện vọng tham gia mạng lưới cộng tác viên; cán bộ trẻ cần sử dụng kỹ năng phiên dịch trong công việc.
Tại đây, người học được cập nhật các yêu cầu đối với phiên dịch đối ngoại trong bối cảnh mới; kỹ năng cơ bản trong phiên dịch nối tiếp; thực hành phiên dịch nối tiếp, giới thiệu về phiên dịch song song (với hệ thống cabin); trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với một số phiên dịch đối ngoại chuyên nghiệp.