Nâng cao kỹ năng phòng, chống tội phạm công nghệ cao

Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao (CNC) diễn biến vô cùng phức tạp và đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người.

Thượng tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, triển khai nội dung về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: A.Nhơn

Thượng tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, triển khai nội dung về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: A.Nhơn

Từ thực tiễn trên, trong cuối tháng 8-2024, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn liên quan đến phòng, chống tội phạm sử dụng CNC, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác đối với tội phạm sử dụng CNC trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Kỹ năng nhận diện và phòng, chống tội phạm công nghệ cao

Chia sẻ tại buổi tập huấn, thượng tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC, Công an tỉnh, cho biết những năm qua, lừa đảo trực tuyến đã và đang trở thành vấn nạn trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Các đối tượng lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Nạn lừa đảo xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự, đa dạng về hình thức, phạm vi hoạt động xuyên quốc gia. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, sử dụng nhiều thủ đoạn phạm tội mới; hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp hơn; có sự móc nối, học tập kinh nghiệm của các băng nhóm tội phạm trên thế giới.

Trước tình hình đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai rất nhiều các hoạt động tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lừa đảo qua mạng với nhiều hình thức khác nhau như: tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp, qua báo, đài truyền hình, qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội… Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân nhận thức chưa đầy đủ hoặc chưa nhận thức được phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, thiếu cảnh giác và ý thức tự bảo vệ bản thân khi hoạt động trên môi trường mạng và đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Theo Cẩm nang phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC (Bộ Công an), có 10 phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay. Trong đó, lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch...) giá rẻ; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền; lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VNeID, tài khoản ngân hàng...) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại; giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ online; giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng, sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục.

Theo số liệu thống kê về lừa đảo trực tuyến trong năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại hơn 1 ngàn tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam đã ghi nhận gần 16 ngàn phản ảnh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 ngàn tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận 76 vụ lừa đảo qua mạng với tổng số tiền thiệt hại trên 325,4 tỷ đồng…

Đối tượng thực hiện lừa đảo bằng cách giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức phát tán tin nhắn SMS Brandname chứa đường dẫn truy cập vào các website giả mạo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tải về ứng dụng độc hại; lừa đảo tham gia đầu tư sàn chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp..., sau đó khóa, chiếm quyền sử dụng tài khoản tài khoản hoặc đánh sập sàn; lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao; giả danh cơ quan công quyền gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo.

Bên cạnh các phương thức lừa đảo phổ biến thì hiện còn nhiều hình thức khác như: cho số lô đề, chuyển nhầm tiền, lấy lại tài khoản mạng xã hội, gọi video nhạy cảm nhằm tống tiền nạn nhân...

Thượng tá Nguyễn Hải Dương lưu ý, khi nghi ngờ bản thân có biểu hiện đang bị lừa đảo qua mạng, hãy tìm kiếm thông tin về các hình thức lừa đảo trên internet hoặc xin sự tư vấn từ bạn bè, người thân. Đừng ngại ngùng chia sẻ câu chuyện mình đang gặp phải vì người bên ngoài sẽ luôn có tâm lý bình tĩnh, tỉnh táo hơn. Trình báo ngay sự việc đến cơ quan công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Liên hệ với ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ.

Người dân hãy lưu lại tất cả thông tin như: lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho cơ quan chức năng khi trình báo. Cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử. Cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mình đã hoặc đang gặp phải nhằm chủ động phòng ngừa.

Trau dồi nhiều kiến thức thiết thực, bổ ích

Chị Trần Thị Thùy Hương, kiểm lâm viên Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết trước đây, chị và một số đồng nghiệp, bạn bè, người thân từng nhận các tin nhắn, cuộc gọi hay đường link lừa đảo trên internet, nhưng các thông tin về biện pháp nhận biết và phòng ngừa các link lừa đảo chưa được trang bị nhiều. Sau khi tham gia hội nghị tập huấn và được nghe thượng tá Nguyễn Hải Dương chia sẻ về tội phạm CNC cùng minh họa các vụ lừa đảo gần đây, chị đã nắm bắt, cập nhật nhiều kiến thức bổ ích. Chị sẽ đem những điều học được về chia sẻ lại cho đồng nghiệp, bạn bè, người thân nhằm nâng cao nhận thức và phòng, tránh lừa đảo trên mạng.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, những năm gần đây, cùng với sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc tội phạm sử dụng CNC thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức với nhiều phương pháp, thủ đoạn hết sức tinh vi. Hiện không ít người dân cả nước nói chung và người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng đã bị lừa đảo bởi tội phạm CNC.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng trên, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn với chuyên đề Những quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm sử dụng CNC vào cuối tháng 8-2024. Tại đây, các đại biểu được nghe thượng tá Nguyễn Hải Dương triển khai về tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến hiện nay, quy định pháp luật về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC; nhận diện và cách phòng, tránh lừa đảo trực tuyến.

Việc tổ chức hội nghị tập huấn nhằm giúp đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và huyện; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; trưởng các ấp, khu phố; các hòa giải viên và tổ bảo vệ an ninh, trật tự nắm bắt tốt các quy định pháp luật, biện pháp phòng, tránh. Từ đó, đội ngũ này tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị nơi công tác và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức cảnh giác đối với tội phạm sử dụng CNC hiện nay.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202409/nang-cao-ky-nang-phong-chong-toi-pham-cong-nghe-cao-a6f611f/