Nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu tại cộng đồng

Công tác sơ cấp cứu (SCC) kịp thời, đúng cách ngay tại nơi xảy ra tai nạn khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống, phòng, chống tai nạn thương tích, chấn thương thứ phát, nhanh chóng phục hồi, giảm chi phí điều trị cho người gặp nạn. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao kỹ năng SCC ở trường học, cộng đồng.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu về Chữ thập đỏ Việt Nam, kiến thức pháp luật an toàn giao thông và kỹ năng sơ cấp cứu tại TP. Thái Nguyên, tháng 4-2023.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu về Chữ thập đỏ Việt Nam, kiến thức pháp luật an toàn giao thông và kỹ năng sơ cấp cứu tại TP. Thái Nguyên, tháng 4-2023.

Hằng năm, tỉnh có tới hàng trăm người chết và bị thương từ tai nạn giao thông (TNGT), tai nạn lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn. Thực tế cho thấy, nhận thức của người dân về SCC, phòng, chống tai nạn thương tích, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT còn hạn chế. Nhiều ca tử vong đáng tiếc xảy ra do không được chăm sóc, SCC và vận chuyển đúng cách trước khi đưa người bị nạn vào các cơ sở y tế.

SCC tại cộng đồng có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời góp phần giảm thiểu mức độ thương vong do tai nạn thương tích nói chung, TNGT nói riêng. Thời gian qua, Hội CTĐ tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền kiến thức, kỹ năng SCC tại cộng đồng thông qua hội thi, diễn tập, các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên.

Tính riêng từ năm 2023 đến nay, các cấp hội đã tổ chức được 3 hội thi quy mô lớn, 20 lớp tập huấn, tuyên truyền cho trên 12.000 lượt người về kỹ năng SCC tại cộng đồng, ứng phó thảm họa, thiên tai; phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tập huấn SCC cho cán bộ, công nhân viên.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Chốt trưởng SCC Chữ thập đỏ xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi hiểu được những nguyên tắc, kỹ năng cơ bản trong SCC tai nạn thương tích, đuối nước, bị bỏng, điện giật, TNGT. Đặc biệt, với phương pháp cầm tay chỉ việc, các học viên được hướng dẫn thực hành tại chỗ các bước tiến hành SCC khi người bị nạn bất tỉnh, ngừng thở, chảy máu, sơ cứu các vết thương phần mềm, dị vật, gãy xương; kỹ thuật vận chuyển nạn nhân an toàn. Sau các buổi tập huấn, chúng tôi đã áp dụng hiệu quả khi có các vụ tai nạn thương tích xảy ra.

Cùng với tuyên truyền, tập huấn, Hội đang duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 48 điểm, trạm SCC (trong đó đã có 30 trạm, điểm được hỗ trợ vật tư y tế), 17 đội xe ôm tình nguyện. Các trạm, điểm SCC được đặt trên các tuyến giao thông trọng điểm, tại những vị trí hay xảy ra TNGT.

Cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ TP. Phổ yên được tập huấn sơ cấp cứu bằng phương pháp cầm tay chỉ việc.

Cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ TP. Phổ yên được tập huấn sơ cấp cứu bằng phương pháp cầm tay chỉ việc.

Các trạm, điểm SCC được ví như “phao cứu sinh” khi tích cực hỗ trợ sơ cứu, cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế. Từ năm 2023 đến nay có gần 400 trường hợp tai nạn được hỗ trợ SCC ban đầu. Để “tiếp sức” cho các điểm, trạm SCC, năm 2023, Hội CTĐ tỉnh đã hỗ trợ và bàn giao trang thiết bị, vật tư y tế cho 15/20 chốt đang hoạt động bài bản, hiệu quả trên địa bàn với tổng kinh phí 238 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Hội CTĐ tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền ATGT và SCC nạn nhân TNGT giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo hội CTĐ các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Ban ATGT cùng cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ và nhân dân chấp hành pháp luật về ATGT, xây dựng cộng đồng an toàn tại các địa phương.

Không chỉ tại cộng đồng dân cư, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng SCC tại chỗ cũng được các cấp hội chú trọng triển khai trong trường học. Từ năm 2021, Hội CTĐ tỉnh đã triển khai Dự án “Tăng cường năng lực thanh niên và tình nguyện CTĐ về khả năng chống chịu dựa vào cộng đồng”. Dự án do Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Hội CTĐ Hàn Quốc triển khai tại tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm (2021-2024).

Dự án triển khai với nhiều hoạt động như: Hỗ trợ trang thiết bị cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn hướng dẫn bảo quản nước sạch, vệ sinh trường học, các kỹ năng SCC và xử lý những tình huống xảy ra tại cộng đồng cho giáo viên, học sinh các trường; giao lưu kinh nghiệm về SCC, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng giữa các đơn vị trong dự án. Qua đó giúp học sinh, thanh niên nâng cao nhận thức, cách tiếp cận trường học an toàn; kỹ năng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các hoạt động trợ giúp tại cộng đồng.

Thời gian tới, để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, nhất là kỹ năng SCC, bà Kiều Thị Thao, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, cho biết Hội sẽ tăng cường đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, tình nguyện viên SCC ban đầu theo quy định; tiếp tục tập huấn, hỗ trợ, củng cố các trạm, điểm SCC tại cộng đồng; phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị tổ chức chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo.

Thực tế cho thấy, nếu người bị nạn được SCC kịp thời, đúng cách nhiều khả năng giữ được tính mạng hoặc ngăn không cho tình trạng tổn thương hoặc bệnh lý diễn biến xấu đi, góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, hồi phục. Nếu mọi người trong các cơ quan, đơn vị được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về SCC cũng như vật tư y tế cơ bản thì có thể chủ động SCC cho chính mình hoặc những người xung quanh trong các trường hợp rủi ro, trước khi có sự hỗ trợ của các nhân viên y tế hoặc được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202407/nang-cao-ky-nang-so-cap-cuu-tai-cong-dong-8171d8d/