NÂNG CAO MỘT BƯỚC CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND, THÁO GỠ VƯỚNG MẮC ĐÃ ĐƯỢC NHẬN DIỆN
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến vào Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đa số các đại biểu cơ bản đồng tình cao với các tài liệu do Hội đồng Dân tộc - Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị, đô gf thời tán thành với phạm vi sửa đổi của dự án Luật lần này là sửa đổi, bổ sung một số điều.
Sáng 29/12, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến vào Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Thường trực Hội đồng Dân tộc; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình…; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Qua thảo luận, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung: về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, trong đó cho ý kiến về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, về mục đích, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật, về phạm vi điểu chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trong đó, góp ý về 05 Nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách; về thời gian dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật… Đa số các đại biểu cơ bản đồng tình cao với các tài liệu do Hội đồng Dân tộc - Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị tương đối đầy đủ, công phu.
Bổ sung làm rõ hơn các quy định về sự liên thông, mối quan hệ trong hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát của HĐND các tỉnh, thành phố
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên bày tỏ sự đồng tình cao với các tài liệu do Hội đồng Dân tộc - cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị. Trong đó các dự thảo về Tờ trình, dự thảo báo cáo đánh giá tác động, dự thảo đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung và dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên nêu rõ, các tài liệu trên cơ bản đã đảm bảo về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tổng hợp, chuẩn bị tài liệu được thực hiện công phu, nghiêm túc và đầy đủ.
Thống nhất với báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên cho rằng, dự thảo Báo cáo đã tổng hợp và làm rõ được những kết quả trong việc thi hành Luật từ Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp của 63 tỉnh, thành phố; kèm theo đó là các phụ lục tổng hợp các số liệu, kết quả trong hoạt động giám sát tương đối đầy đủ.
Qua các bài học kinh nghiệm thực tiễn của HĐND các cấp thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn các quy định về sự liên thông, mối quan hệ trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là việc lựa chọn hình thức giám sát, nội dung giám sát, đối tượng giám sát trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch giám sát để tránh trùng lặp về nội dung đối tượng trong cùng một năm giám sát. Nội dung này tuy đã được nêu tại Điều 15 Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng mới chỉ mang tính chất hướng dẫn lựa chọn chuyên đề giám sát. Đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể giao HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, thành phố phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề các nội dung cần quan tâm.
Đồng thời nghiên cứu rà soát, sơ kết việc triển khai thực hiện ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND". Trên cơ sở kết quả thực hiện cần lựa chọn những nội dung, vấn đề cần được luật hóa để đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung làm căn cứ để thống nhất thực hiện. Trong dự thảo Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung đã có một số nội dung, tuy nhiên cần nghiên cứu bổ sung thêm, nhất là hoàn thiện các quy trình thực hiện giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.
Cần tiến hành tổng kết việc thi hành tổ chức hoạt động giải trình tại các Ban của HĐND
Góp ý về các giải pháp đánh giá tác động chính sách, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, Báo cáo đánh giá tác động các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã đưa ra các giải pháp lựa chọn, bao gồm 2 giải pháp là Giải pháp 1: Sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Luật hiện hành và Giải pháp 2: Giữ nguyên các quy định có liên quan của Luật hiện hành. Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận thấy, việc chỉ đưa ra 2 giải pháp như trong Báo cáo đánh giá tác động để phân tích, đánh giá tác động các chính sách là chưa đầy đủ, chưa toàn diện.
Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một giải pháp nữa là: Giữ nguyên các quy định có liên quan của Luật giám sát hiện hành (không sửa đổi, bổ sung), mà chỉ cần đổi mới quy trình, thủ tục giám sát, tăng thêm thời gian, tăng cường nguồn lực (con người, kinh phí) cho hoạt động giám sát và tiến hành đánh giá tác động các chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo giải pháp này. Về vấn đề này, trong thời gian vừa qua Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã cải tiến, đổi mới một số quy trình, thủ tục giám sát và tăng thêm thời gian, nguồn lực cho một số hoạt động giám sát, như tổ chức đoàn giám sát chuyên đề. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động các chính sách theo 3 giải pháp nêu trên sẽ lựa chọn giải pháp tốt nhất để đưa vào đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Liên quan đến việc tổ chức hoạt động giải trình tại các Ban của Hội đồng nhân dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị cần tiến hành tổng kết việc thi hành quy định này, trên cơ sở đó giao cho các ban Hội đồng nhân dân tổ chức các phiên họp giải trình về các vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách, bao gồm các vấn đề liên quan đến giám sát, xây dựng văn bản, quyết định các vấn đề của địa phương.
Cần làm rõ cách tiếp cận phạm vi sửa đổi Luật lần này là sửa đổi, bổ sung một số điều, không phải sửa đổi toàn diện
Cho rằng việc xác định phạm vi sửa đổi là một vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Đàng đoàn Quốc hội. Theo đó, Kết luận số 843 của Đảng đoàn Quốc hội đề cập xác định phạm vi sửa đổi Luật chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều. “Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới hoạt động giám sát là rà soát, tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới nêu rõ “tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật…”.
Do đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ băn khoăn “trong lần sửa đổi này, chúng ta có đặt ra vấn đề xem xét, làm rõ phạm vi, đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội và HĐND hay không? Quốc hội giám sát tới tận địa phương, trong một số trường hợp có chồng lấn với HĐND hay không? Nếu có thì liệu có sửa đổi các quy định trong Luật Hoạt động giám sát lần này để phân định rõ hơn và thực hiện theo chủ trương của Nghị quyết 27 hay không? Hay là mức độ giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với các cơ quan nhà nước ở cấp huyện, cấp xã như thế nào? Trong lần sửa đổi này, chúng ta tiếp cận vấn đề đến đâu? có vượt qua mức độ sửa đổi, bổ sung một số điều hay không?”
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị trong lần sửa đổi này, cần bàn thật kỹ để xác định phạm vi sửa đổi. “Nếu đặt vấn đề toàn diện, lớn quá thì sẽ dễ vượt ra ngoài phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều, do đó, mức độ sửa đổi của Luật lần này như thế nào để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Nếu sửa đổi toàn diện Luật và tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các tỉnh thì liên quan đến năng lực của tổ chức bộ máy. Với đội ngũ cán bộ chuyên trách của Quốc hội và HĐND hiện nay, liệu có đảm đương được nhiệm vụ nếu tăng cường, mở rộng phạm đối tượng giám sát hay không?”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đặt ra thời gian thực hiện từ năm 2030 - 2045, chứ không phải thực hiện ngay bây giờ, trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương thì cần xác định những nội dung gì, mức độ làm rõ đến đâu, để việc sửa đổi Luật lần này làm rõ một bước, rồi tiếp tục thực hiện và tiếp tục sửa đổi Luật từ nay đến năm 2045, chứ không phải lần sửa đổi này giải quyết tất cả vấn đề. Vì vậy, cách tiếp cận Luật lần này là phải như vậy.
Với những phân tích trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với phạm vi sửa đổi của dự án Luật là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, những vấn đề đã nhận diện được, đã thực hiện, đã đổi mới, cải tiến để nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, tháo gỡ những vướng mắc đã được nhận diện. Còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thì tiếp tục nghiên cứu, chưa đặt vấn đề sửa đổi toàn diện Luật ở lần sửa đổi này.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội thảo tham vấn ý kiến đối với hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã hoàn thành các nội dung đề ra.
Nhấn mạnh những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương rất sâu sắc, vừa là những định hướng lớn, vừa là những nhiệm vụ hết sức cụ thể, quan trọng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo đó, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật.
Nhận thấy các ý kiến tập trung vào nhiều vấn đề liên quan đến các quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, các ý kiến tham gia cơ bản đều rất xác đáng, giá trị, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến tại Hội thảo này để khẩn trương hoàn thiện các tài liệu liên quan trong hồ sơ lập đề nghị, nhất là nội dung về cơ sở chính trị, pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại dự thảo Tờ trình, hoàn thiện thêm đối với nội dung các chính sách trong Báo cáo đánh giá tác động và rà soát kỹ nội dung của Đề cương dự thảo Luật.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83634