Nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo
Những năm qua, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành quan tâm, chú trọng với nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; giúp người nghèo tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mô hình trồng rau an toàn của gia đình ông Lê Trí Dũng, thôn Điền Lý, xã Điền Lư (Bá Thước).
Trước đây, theo tiêu chí cũ, hộ nghèo được xét theo tiêu chí đơn chiều (thu nhập). Vì vậy, nhiều hộ sau khi rà soát đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV) được triển khai gắn với thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều đến đúng đối tượng. Người nghèo được tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hưởng lợi đầu tư cơ sở hạ tầng, được nâng cao dân trí, đào tạo việc làm và hỗ trợ nhiều nguồn lực khác nhau để sản xuất - kinh doanh... Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường theo hướng đa chiều giúp xác định đối tượng nghèo chính xác, cụ thể, không bỏ sót, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung là giảm nghèo, đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn... Chương trình bao gồm 7 dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Thực hiện Chương trình MTQG GNBV, tỉnh ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch để triển khai công tác giảm nghèo và an sinh xã hội hàng năm và giai đoạn 2021-2025; các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, đề án có liên quan trên địa bàn, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân, tổ chức thực hiện... Bên cạnh đó, với đặc thù hầu hết các hộ nghèo đều thuộc địa bàn 11 huyện miền núi, ngày 23-7-2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, cụ thể hóa 1 trong 6 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Mục tiêu chung của chương trình là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc khu vực miền núi. Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khu vực; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn...; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới mỗi năm giảm bình quân 1,5% trở lên.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Thanh Hóa và các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, do đó đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 6,77% (năm 2021) giảm xuống còn 4,99% (cuối năm 2022), vượt 0,29% so với kế hoạch và là địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ giảm nghèo. Từ năm 2021 đến nay đã kịp thời tham mưu phân bổ hơn 2.285 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện chương trình; thực hiện giải ngân gần 255 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển để thực hiện 70 dự án tại các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hướng dẫn phê duyệt 10 dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế với kinh phí thực hiện trên 5,1 tỷ đồng; tổ chức 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng gần 2.770 cán bộ và tổ chức 30 cuộc giám sát việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, triển khai thực hiện chương trình với tổng kinh phí thực hiện trên 7,7 tỷ đồng... Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, tiếp cận thông tin các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.
Trên thực tế, những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, như: các chương trình 135, 30a của Chính phủ; chính sách ưu đãi tín dụng; chính sách mua BHYT cho hộ nghèo, hỗ trợ về giáo dục, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nhà ở cho hộ nghèo; trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trong sản xuất bằng giống lúa lai, ngô lai, phương tiện sản xuất và nhiều hộ được hỗ trợ giống vật nuôi (lợn, trâu, bò)... Tạo điều kiện giúp hộ nghèo ổn định sinh kế, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, sớm hội nhập cộng đồng. Nhưng cũng chính vì được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Cùng với đó, kết quả giảm nghèo của giai đoạn trước chưa đảm bảo tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Có thể nói, việc tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo cơ hội cho người nghèo được hưởng đầy đủ các loại dịch vụ xã hội cơ bản hơn. Thông qua phương pháp tiếp cận nghèo này, sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Từ đó xây dựng các chính sách cụ thể, đầu tư đúng và trúng theo từng vùng, lĩnh vực, từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư. Được biết, một trong những định hướng lớn, mới của Nhà nước trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 là sẽ giảm dần các chính sách “cho không”, tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh cho hộ nghèo tâm lý ỷ lại. Để làm được điều này, đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các ngành, các cấp, cùng sự thay đổi nhận thức căn bản của chính những người dân. Có như vậy, chính sách mới “thẩm thấu” vào cuộc sống, tạo bước chuyển căn bản trong công tác giảm nghèo trong thời gian tới.