Nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số
Sáng ngày 13/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo 'Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số'.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay, thảo luận và tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số.
Hội thảo cũng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo, đồng thời đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhấn mạnh: “Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay”.
Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đã chỉ ra các hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường số: Chiếm đoạt bản quyền, mạo danh bản quyền (ví dụ giả danh thương hiệu Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hay các trang web giả mạo báo điện tử - có nội dung, giao diện gần như y hệt, chỉ hơi khác tên miền); phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; sửa chữa, cắt xén, làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền.
Vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí. Do đó, bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí và đòi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Hà Nội Mới có nhiều nguyên nhân khiến vi phạm bản quyền ngày càng nhức nhối nhưng không dễ ngăn chặn. Trước hết là do sự phát triển mạnh mẽ của Internet khiến việc truyền tải và sao chép các tác phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi chỉ cần vài cú nhấp chuột là đã sao chép được. Bên cạnh đó là trình độ hiểu biết và ý thức của tổ chức, cá nhân về vấn đề này còn hạn chế. Các cơ quan báo chí chưa quyết liệt trong việc đối phó với tình trạng này. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, luật pháp chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, mức xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền báo chí còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đáng chú ý, Việt Nam cũng chưa có một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để xử lý những xung đột giữa người vi phạm bản quyền và các cơ quan báo chí.
Trước thực trạng này, các giải pháp đã được các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị và đề xuất. Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, thời gian qua, Cục Báo chí đã tích cực trong việc trợ giúp các cơ quan báo chí đấu tranh với vấn nạn vi phạm bản quyền. Tiêu biểu là với việc sửa đổi Luật Báo chí, Cục đã tham mưu cho Bộ một nội dung quan trọng là hoạt động báo chí trên không gian số nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Trong đó bản quyền báo chí là điểm nhấn. Bên cạnh đó Cục cũng đang tham mưu với Bộ xây dựng quy trình chuẩn nhằm trợ giúp báo chí đấu tranh với vi phạm bản quyền.
"Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan báo chí nếu phát hiện ra vi phạm bản quyền có thể trực tiếp thông báo tới Cục Báo chí hoặc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, chúng tôi sẽ xử lý kịp thời, kể cả nền tảng xuyên biên giới như Tiktok, Facebook", Phó Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, bên cạnh các biện pháp mang tầm vĩ mô đến từ các cơ quan chức năng, bản thân các cơ quan báo chí cần tích hợp công nghệ để rà quét, phát hiện vi phạm. Hơn thế việc thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí, truyền thông số quốc gia là cần thiết. Trong đó, đề cao vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả trao đổi và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bản quyền báo chí, truyền thông trong môi trường số.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.