Nâng cao năng lực bệnh viện tuyến dưới, giảm tải tuyến trên

Với các đề án 1816, Khám chữa bệnh từ xa, dự án Bệnh viện vệ tinh... BV Hữu nghị Việt Đức đã hỗ trợ đào tạo, chỉ đạo giúp nâng cao năng lực điều trị của nhiều bệnh viện tuyến dưới.

Chia sẻ về hoạt động chỉ đạo tuyến trong năm 2023, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, cho biết đề án Khám chữa bệnh từ xa, đề án 1816 đã phát huy tác dụng, thu ngắn khoảng cách về kỹ thuật, chuyên môn giữa các tuyến.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, dự án Telemedicine cũng đã được BV Hữu nghị Việt Đức triển khai, mở rộng kết nối tới các bệnh viện vệ tinh và đã có rất nhiều ca bệnh được cứu chữa thành công.

Mới đây, chuyên gia BV Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận một ca hội chẩn cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương sọ não với ê kíp BVĐK Thảo Nguyên (Mai Châu, Sơn La) qua hình thức kết nối Telemedicine thành công.

Chuyên gia BV Hữu nghị Việt Đức hội chẩn ca bệnh khó với bệnh viện tuyến dưới.

Chuyên gia BV Hữu nghị Việt Đức hội chẩn ca bệnh khó với bệnh viện tuyến dưới.

Trong nhiều năm qua, BV Hữu nghị Việt Đức đã tích cực triển khai hoạt động chỉ đạo tuyến như: Dự án Bệnh viện vệ tinh, Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng; Đề án 1816, Đề án Khám chữa bệnh từ xa… đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận.

Tại đây, mỗi năm tiếp nhận 2.500-3.000 lượt sinh viên, học viên đại học, sau đại học thuộc các cơ sở đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe trên cả nước đến học tập, nghiên cứu, nâng cao tay nghề.

Trong năm 2023, BV Hữu nghị Việt Đức tổ chức 111 khóa đào tạo liên tục cho 2.107 lượt học viên các bệnh viện tuyến dưới theo nhiều hình thức khác nhau như đào tạo trực tuyến, đào tạo các khóa học ngắn ngày…, tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo các đề án, dự án cho 209 lượt học viên thuộc 62 lượt bệnh viện thụ hưởng, giúp các cán bộ, nhân viên y tế tuyến dưới từng bước nâng cao tay nghề và chất lượng khám chữa bệnh.

BV Hữu nghị Việt Đức cũng đã tổ chức 53 buổi tư vấn, hội chẩn trực tuyến với 110 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, góp phần giải quyết được những ca bệnh khó, cứu sống những người bệnh nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa, không có khả năng chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Qua đó, đội ngũ bác sĩ nhiều bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ và thực hiện thường quy các kỹ thuật cao trong điều trị, tăng tỷ lệ điều trị thành công ca bệnh khó, và giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến. Đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định: "Công tác chỉ đạo tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần nhân dân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đồng thời, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực đào tạo, giúp đỡ về mặt kỹ thuật, chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên, ông Ngọc Khuê cũng đề nghị các đơn vị cơ sở y tế bệnh viện vệ tinh tuyến dưới cần có kế hoạch cụ thể, đánh giá tổng quát về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực… để các cơ sở y tế tuyến trên có kế hoạch chỉ đạo tuyến hỗ trợ kịp thời, nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nang-cao-nang-luc-benh-vien-tuyen-duoi-giam-tai-tuyen-tren-192231116100939134.htm