Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà phát triển bền vững

BHG - Một trong những trụ cột quan trọng của cải cách thể chế chính là môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững trở thành nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong công tác lãnh, chỉ đạo để thực hiện mục tiêu: Lấy sự thịnh vượng, thành công của nhà đầu tư làm thước đo đối với sự năng động, phát triển của tỉnh.

Lãnh đạo huyện Bắc Quang khảo sát sự phục hồi hoạt động của doanh nghiệp tại Cụm Công nghiệp Nam Quang.

Lãnh đạo huyện Bắc Quang khảo sát sự phục hồi hoạt động của doanh nghiệp tại Cụm Công nghiệp Nam Quang.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, tỉnh ta thực hiện quyết liệt, đồng bộ việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của sở, ngành được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp theo hướng giảm số lượng thủ tục hành chính (TTHC), thời gian, chi phí rủi ro cho DN đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ: Khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư (do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện); nộp thuế và bảo hiểm xã hội (Cục thuế, Bảo hiểm xã hội tỉnh); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan (Sở Xây dựng); tiếp cận tín dụng (Ngân hàng Nhà nước); tiếp cận điện năng (Sở Công thương); đăng ký tài sản (Sở Tài nguyên và Môi trường); giao dịch thương mại qua biên giới (Cục Hải quan tỉnh); giải quyết tranh chấp hợp đồng, phá sản DN (Tòa án Nhân dân tỉnh).

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện tốt việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện tốt việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, số TTHC có hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh là 1.933 TTHC. Trong đó, 1.596 TTHC cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4, đạt 82,57% so với tổng số TTHC (đạt 100% đối với TTHC đủ điều kiện cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4); 153 TTHC cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, đạt 7,9%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2022 là 20,49%. Đặc biệt, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh tiếp tục triển khai giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ” (tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) theo hai hình thức: Trực tiếp tại Trung tâm PVHCC tỉnh hoặc số hóa hồ sơ giấy để tạo hồ sơ điện tử, gửi qua hệ thống thông tin “một cửa” điện tử về cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc ký số của cơ quan có thẩm quyền để gửi đến cơ quan liên thông giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan tích cực thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, có tỷ lệ hồ sơ phát sinh và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử cao, như: Sở Công thương, Giao thông – Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư; Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế tỉnh; UBND các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên... Qua đó, nâng tỷ lệ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thông qua DVC trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh lên 46,04% so với số hồ sơ mới tiếp nhận. Việc không thực hiện gửi hồ sơ giấy đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường sự minh bạch, khách quan trong giải quyết TTHC, rút ngắn quy trình giải quyết TTHC, thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân và cơ quan Nhà nước khi giải quyết TTHC.

Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, các cơ quan liên quan còn thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký DN; rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 1 ngày so với quy định của Luật DN. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 42 DN đăng ký thành lập mới, nâng tổng số DN toàn tỉnh lên 3.274 DN với tổng số vốn đăng ký gần 34,4 nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, tỉnh ta còn đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tư vấn, giải quyết các đề nghị của DN trong việc khảo sát dự án đầu tư như: Công ty TNHH một thành viên Năng lượng An Việt Phát (dự án trồng rừng và xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến gỗ); Công ty Cổ phần dịch vụ Môi trường Nông nghiệp Việt (dự án chăn nuôi gia súc); Công ty Cổ phần Truyền thông Hoa Sao (dự án phát triển du lịch xã Yên Định, huyện Bắc Mê)...

Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu trong đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho 10.810 lao động của 959 đơn vị, với số tiền tính giảm hơn 2,2 tỷ đồng; xác nhận và thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 1% cho 975 đơn vị/12.463 lao động với tổng số tiền đã giảm là hơn 3,3 tỷ đồng... Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân số tiền hơn 1,2 tỷ đồng cho 10 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc đối với 192 lao động.

Thực tế cho thấy, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt” trong giải quyết TTHC không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn khiến người dân, DN mất niềm tin vào các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, tỉnh ta đặc biệt quan tâm cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý, ngăn chặn hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN. Trong 4 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành 25 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất liên quan đến chi phí không chính thức, kiểm soát tham nhũng. Qua thanh tra, phát hiện 24 đơn vị vi phạm với tổng số tiền vi phạm lên đến 4,4 tỷ đồng. Riêng các sở, ngành thực hiện 44 cuộc thanh tra, kiểm tra chủ yếu về lĩnh vực: Tài nguyên – môi trường, giao thông – vận tải, đầu tư xây dựng cơ bản... Trên cơ sở đó, ban hành 21 quyết định xử phạt đối với 12 tổ chức, 9 cá nhân vi phạm với số tiền hơn 800 triệu đồng; thu hồi xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 900 triệu đồng...

Theo kết quả công bố chỉ số PCI năm 2021 mới đây từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Tỉnh ta đạt 60,53 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2020. Đây tiếp tục là minh chứng cho sự nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI nhằm thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19. Hiện nay, tỉnh ta đang tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; đồng hành cùng DN thông qua cải cách thể chế, quy định và TTHC.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202205/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-tao-da-phat-trien-ben-vung-96c7133/