Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về bảo vệ trẻ em
Trong 2 ngày, 08-09/8 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Hội nghị, tập huấn hướng dẫn bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ tham gia mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em năm 2024 với sự tham dự của 35 đại biểu đến từ 11 tỉnh/thành phố.
Tại lớp tập huấn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã có phần chia sẻ các nội dung tổng quan về quyền trẻ em và đặc biệt là vai trò của gia đình trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện bảo vệ trẻ em từ những phân tích cụ thể về mong muốn của trẻ em, trách nhiệm của cha mẹ trong tạo dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Đặc biệt, vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng rất quan trọng để góp phần thúc đẩy vai trò của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em thông qua các hoạt động như mở rộng đối tượng tiếp cận truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại gia đình; tổ chức các hoạt động, xây dựng và phát triển mô hình thực hiện quyền trẻ em từ/trong gia đình, mô hình CLB/nhóm cha mẹ, gia đình/dòng họ thực hiện quyền trẻ em; tổ chức trao đổi kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng, họp mặt, liên hoan các gia đình thực hiện tốt quyền trẻ em; tích cực phát triển Hội viên và phát triển tổ chức để thực hiện tốt hiệu quả nhiệm vụ được quy định tại Khoản 4, Điều 92 Luật Trẻ em.
Đặc biệt, các cán bộ cơ sở Hội thành viên cũng đã được tập huấn về kiến thức và cách thức để lồng ghép những vấn đề về bảo vệ trẻ em trong các Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và địa phương. Các cơ sở Hội thành viên cần có phân tích về điều kiện thực tế và những vấn đề nổi cộm liên quan tới quyền trẻ em cần lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Dựa vào quy định về trách nhiệm của Hội được quy định tại Luật trẻ em, các cơ sở Hội địa phương có thể tổ chức lấy ý kiến và thu thập ý kiến của các tổ chức xã hội, ý kiến trẻ em về việc lồng ghép quyền trẻ em, mục tiêu về trẻ em trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tham gia giám sát việc lồng ghép và thực hiện các mục tiêu về trẻ em trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tích cực đóng góp ý kiến, tư vấn phát biểu chính kiến về việc thực hiện lồng ghép các mục tiêu về trẻ em trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, bộ ngành, địa phương.
Tham dự lớp tập huấn, các đại biểu đã được bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cập nhật tình hình trẻ em và công tác trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2024 và Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và các hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để góp phần thực hiện tốt hơn công tác trẻ em trong thời gian tới.
Chuyên đề về vận động nguồn lực và các kỹ năng cần thiết để vận động nguồn lực dành cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và những bài học kinh nghiệm trong xây dựng thí điểm Mô hình CLB Bảo vệ trẻ em trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã được chia sẻ và thảo luận tại lớp tập huấn thông qua các hoạt động tương tác với diễn giả và học viên.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác và các kỹ năng thông tin, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em cũng đã được trao đổi, thảo luận tại lớp tập huấn để góp phần tăng cường công tác bảo vệ trẻ em nhanh chóng, kịp thời tại địa phương.
Các thông tin cập nhật về tình hình trẻ em, công tác trẻ em và các chuyên đề được chia sẻ và thảo luận trong 2 ngày tập huấn cũng đã góp phần nâng cao năng lực cho các cơ sở Hội thành viên, các đơn vị, Trung tâm trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Sau lớp tập huấn, các đại biểu khi trở về địa phương sẽ có kế hoạch và từng bước lồng ghép và thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả hơn và gắn chặt hơn với trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã được quy định tại Điều 92 Luật Trẻ em.
35 đại biểu đến từ 11 tỉnh/TP như Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một số Trung tâm, Chi hội trực thuộc tại Hà Nội.