Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm nghề công tác xã hội

Cộng tác viên công tác xã hội tham gia lớp tập huấn hỗ trợ người dân trong trường hợp thiên tai khẩn cấp. Ảnh: KIM CHI

Qua thực hiện đề án Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH), đội ngũ cộng tác viên (CTV), nhân viên CTXH toàn tỉnh đã được bổ sung về số lượng, chất lượng được nâng lên.

Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đội ngũ này phải thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm hướng tới chuyên nghiệp hóa.

Chú trọng rèn luyện kỹ năng

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: CTXH là một nghề rất vất vả, người làm nghề phải thật sự hiểu những khó khăn của các đối tượng bảo trợ để có hướng xử lý cũng như giúp đỡ trong nhiều tình huống.

Đặc thù của nghề CTXH là tìm hiểu, chăm sóc, định hướng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em, các đối tượng nghiện hút, mại dâm, giúp họ vượt qua khủng hoảng bằng tham vấn, trị liệu tâm lý... Nghề này đòi hỏi sự nhẫn nại và có tình yêu thương nhất định với hoàn cảnh các đối tượng mới có thể làm được.

Xác định việc triển khai nghề CTXH là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian gần đây, Sở LĐ-TB-XH liên tục mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ CTV, nhân viên CTXH trong toàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Thu Dân, CTV CTXH phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) cho biết: Tôi tham gia học lớp nâng cao kỹ năng nghề CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em cùng với hơn 100 học viên khác. Những lớp học như thế này rất bổ ích, giúp chúng tôi nâng cao kiến thức và kỹ năng giải quyết các vấn đề xã hội tại địa phương.

Còn chị Nay Hờ Thư, CTV CTXH xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) tham gia lớp tập huấn hỗ trợ cộng đồng trong trường hợp thiên tai khẩn cấp, nói: Qua đợt tập huấn, với sự truyền đạt kiến thức của các chuyên viên, những người làm công tác trợ giúp xã hội như chúng tôi được nâng cao năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò của mình; thấu hiểu nhu cầu khẩn cấp của người dân trong tình trạng khó khăn bởi thiên tai để kịp thời đáp ứng nhanh nhất.

Hướng tới chuyên nghiệp hóa

Phú Yên hiện có hơn 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Các đối tượng có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Bên cạnh đó, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có CTV, nhân viên CTXH với hơn 800 người, tạo thành một mạng lưới trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Viết Hậu, thời gian qua, đội ngũ này đa phần phát triển có tính tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể, cán bộ phường, xã và đôi khi là những người dân tự nguyện tham gia. Đa số họ làm việc theo kinh nghiệm, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH còn hạn chế. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư thiếu tính bền vững.

“Trước thực tế đó, chúng tôi sẽ tham mưu Sở LĐ-TB-XH tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của nghề CTXH cũng như cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội; tiếp tục mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng CTXH. Phấn đấu hình thành một hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân, đồng thời hình thành đội ngũ cán bộ, viên chức, CTV và nhân viên CTXH chuyên nghiệp”, ông Đinh Viết Hậu cho biết.

Năm 2022, tỉnh phấn đấu 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng diện người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng miền núi, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của trung ương. Đồng thời phấn đấu 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/283250/nang-cao-nang-luc-cho-doi-ngu-lam-nghe-cong-tac-xa-hoi.html