Nâng cao năng lực cho những người đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm'

Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín… là một trong những cách để Hội LHPN huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, thực hiện hiệu quả Dự án 8, góp phần thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm' xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, mang đến nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống cho hội viên, phụ nữ.

 Hội LHPN các cấp huyện Như Xuân tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng

Hội LHPN các cấp huyện Như Xuân tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng

Như Xuân là huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, trung tâm huyện cách thành phố Thanh Hóa 60km. Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" được triển khai, phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương được các cấp, các ngành quan tâm, chăm lo cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần đã có nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống.

Bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ cùng PNVN những nỗ lực của Hội LHPN các cấp trong hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện.

+ Dự án 8 được triển khai thực hiện tại huyện Như Xuân như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Hà: Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là một phần trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Dự án đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi và cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi đã đạt được một số kết quả cụ thể như:

Với nội dung: Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN huyện đã khảo sát, đánh giá tình hình thực tế tại địa phương, ra mắt thành lập 28 tổ truyền thông cộng đồng; hỗ trợ trang thiết bị cơ bản (mỗi tổ 1 loa kéo) phục vụ công tác truyền thông và truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các Tổ truyền thông tại 28 thôn của 10 xã Dự án, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục lạc hậu và thực hiện một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Với nội dung: Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN huyện tổ chức hội nghị ra mắt thành lập và tập huấn cho thành viên 7 địa chỉ tin cậy (trong đó có 1 địa chỉ tin cậy xã Thanh Sơn được TƯ Hội LHPN Việt Nam chọn làm mô hình điểm), phối hợp tổ chức 6 sự kiện truyền thông phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức Giao lưu sáng kiến truyền thông phòng chống bạo lực gia đình… Qua đó, chị em dần chuyển biến nhận thức thay đổi hành vi, ngày càng tin tưởng và tham gia tổ chức Hội nhiều hơn.

Với nội dung: Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Hội LHPN huyện tổ chức hội nghị hướng dẫn đối thoại chính sách và giám sát, đánh giá về bình đẳng giới; tổ chức 2 hội nghị đối thoại cụm thôn bản; 20 hội nghị đối thoại cấp xã, có 1.520 đại tham dự; tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã: có 60 người tham dự; Tổ chức 11 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và các kỹ năng vận hành Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", Tổ chức Cuộc thi "Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Hội LHPN huyện Như Xuân tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau

Hội LHPN huyện Như Xuân tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau

Đặc biệt, chúng tôi cũng quan tâm, chú trọng vào các hoạt động nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Cụ thể, tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho cán bộ thôn, người có uy tín trong thôn tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Họ chính là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, thói quen, tập tục lạc hậu có hại trong đời sống nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.

+ Trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện Như Xuân đã gặp phải khó khăn, vướng mắc gì?

Bà Lê Thị Hà: Trong quá trình triển khai Dự án đã gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc, cụ thể như sau: Do nhận thức xã hội còn hạn chế, một số thôn bản còn tư tưởng định kiến giới, dẫn đến việc thiếu sự ủng hộ từ cộng đồng trong việc triển khai các hoạt động bình đẳng giới. Bên cạnh đó là các hạn chế về nguồn lực, thiếu nhân lực chuyên trách có kỹ năng và kiến thức về giới, đặc biệt ở cấp xã và thôn bản, cán bộ làm công tác giới chủ yếu là kiêm nhiệm, nên không có thời gian và chuyên môn sâu.

Chúng tôi cũng còn gặp một số khó khăn trong tiếp cận đối tượng, một số nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật, trẻ em gái bị xâm hại…) chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ. Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố về văn hóa, phong tục tập quán lạc hậu, ở một số gia đình phong tục cũ kỹ như tảo hôn, ma chay, cưới xin, định kiến giới rất khó thay đổi trong thời gian ngắn.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi còn những khó khăn vướng mắc liên quan tới cơ chế chính sách hay một số hoạt động triển khai chậm so với kế hoạch, tiến độ giải ngân chậm; thực tế vẫn còn nhiều vấn đề xã hội cấp thiết liên quan trực tiếp đến đời sống của phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như tình trạng tảo hôn, bạo lực giới chưa được giải quyết triệt để... Các văn bản hướng dẫn có một số nội dung chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Dự án tại cơ sở...

Đời sống của hội viên, phụ nữ được các cấp Hội chăm lo

Đời sống của hội viên, phụ nữ được các cấp Hội chăm lo

+ Bà có thể chia sẻ một số giải pháp giúp Hội LHPN huyện Như Xuân khắc phục những khó khăn đó?

Bà Lê Thị Hà: Chúng tôi tăng cường phối hợp các phòng, ban, ngành liên quan và các địa phương với Hội LHPN cùng cấp. Đối với Hội LHPN 10 xã triển khai Dự án, tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham mưu cho UBND xã triển khai theo kế hoạch; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện các hoạt động, chỉ tiêu cụ thể theo hướng dẫn của Hội cấp trên; chỉ đạo Hội LHPN cấp xã triển khai các hoạt động của Dự án 8 khoa học, hiệu quả, gắn với thực hiện nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp để tác động toàn diện làm thay đổi căn bản thực trạng bình đẳng giới và đời sống kinh tế - xã hội của phụ nữ vùng DTTS và miền núi".

Hội LHPN huyện cũng tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, CLB như: địa chỉ tin cậy, tổ truyền thông cộng đồng, CLB thủ lĩnh của sự thay đổi; CLB gia đình hạnh phúc..., góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người bị bạo lực, tuyên truyền xóa bỏ định kiến khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho già làng, trưởng bản, người có uy tín; đề cao vai trò của nam giới và phụ nữ trong gia đình và xã hội; khuyến khích sự tham gia của nam giới trong các hoạt động bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới...

Hoạt động của các cấp Hội phụ nữ đã mang đến nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống cho hội viên, phụ nữ huyện Như Xuân.

Hoạt động của các cấp Hội phụ nữ đã mang đến nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống cho hội viên, phụ nữ huyện Như Xuân.

+ Bà có đề xuất, kiến nghị gì với chính quyền địa phương, Hội LHPN cấp trên để Dự án 8 được thực hiện có hiệu quả hơn tại địa phương trong thời gian tới?

Bà Lê Thị Hà: Với TƯ Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi đề xuất TƯ quan tâm hơn nữa đến các hoạt động của mô hình điểm "Địa chỉ tin cậy" xã Thanh Sơn; Ưu tiên đầu tư cho các mô hình hỗ trợ phụ nữ nghèo, đơn thân, trẻ em mồ côi, trẻ em gái bị xâm hại, khuyết tật; Hỗ trợ mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế.

Chúng tôi đề xuất với Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông cộng đồng để nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống bạo lực và tảo hôn; lồng ghép nội dung về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình vào chương trình học đường, sinh hoạt cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn định kỳ về kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới cho cán bộ, hội phụ nữ và đoàn thể; tăng kinh phí cho Dự án 8, đảm bảo đủ nguồn lực triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Lê Hoa (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nang-cao-nang-luc-cho-nhung-nguoi-dong-hanh-cung-phu-nu-dan-toc-thieu-so-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-20250524175210403.htm