Nâng cao năng lực giám sát bay nhờ công nghệ giám sát đa điểm
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được nâng cao năng lực điều hành bay, đặc biệt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi nhờ công nghệ hệ thống giám sát đa điểm của Nhật Bản.
Công nghệ hệ thống giám sát đa điểm lần đầu tiên được triển khai, áp dụng cho công tác điều hành bay tại Việt Nam sẽ giúp nâng cao năng lực điều hành bay tại các sân bay đặc biệt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ bàn giao hệ thống giám sát đa điểm (MLAT) lắp đặt tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc theo Thỏa thuận tài trợ không hoàn lại giữa Công ty Japan Radio Co., Ltd - Nhật Bản (JRC) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) vào chiều 8/6.
Tại buổi lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết Nhật Bản là một trong những quốc gia có ngành hàng không dân dụng phát triển tiên tiến trong khu vực. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ghi nhận sự hợp tác tích cực, chặt chẽ trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và lĩnh vực hàng không nói riêng thông qua nhiều dự án, phi dự án, các khoản viện trợ phi chính phủ.
“Kết quả hợp tác thành công giữa VATM và JRC trong việc triển khai hệ thống giám sát đa điểm MLAT tại sân bay Phú Quốc giúp cải thiện nâng cao năng lực giám sát, điều hành bay của VATM là một bước đánh dấu cho sự khởi đầu cho hướng hợp tác trong lĩnh vực quản lý bay trong thời gian tới đây,” Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc VATM, thỏa thuận tài trợ không hoàn lại về cung cấp, lắp đặt, kiểm tra, đánh giá và chuyển giao hệ thống MLAT tại cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giữa Công ty JRC và VATM được ký kết ngày 2/5/2018 có giá trị 200 triệu yên (tương đương hơn 43 tỷ đồng).
“Việc lắp đặt hệ thống MLAT tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã hoàn thành vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tháng 2/2021 mới tổ chức nghiệm thu tại trạm. Hệ thống được khai thác thử nghiệm từ tháng 2/2021 đến nay và được đánh giá hoạt động ổn định, hữu ích như có nhiều ưu điểm vượt trội, xác định chính xác vị trí của tàu bay hoạt động trên sân bay, góp phần làm tăng độ tin cậy của hệ thống giám sát hàng không,” ông Gia thông tin thêm.
Về tầm phủ hoạt động, ngoài việc giám sát tàu bay di chuyển trên sân bay, hệ thống MLAT có thể bao phủ những vùng trời thấp trong khu vực trách nhiệm của Đài kiểm soát không lưu nơi mà radar không bao phủ được, nhằm nâng cao năng lực điều hành bay tại các sân bay đặc biệt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Sau khi tiếp nhận bàn giao hệ thống MLAT, VATM sẽ báo cáo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp phép đưa vào khai thác chính thức và sẽ tổ chức khai thác, bảo dưỡng hệ thống theo đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng hệ thống MLAT cho công tác điều hành bay tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
“Đây là lần đầu tiên công nghệ giám sát MLAT được triển khai, áp dụng cho công tác điều hành bay tại Việt Nam. Qua thực tiễn đánh giá những lợi ích thu được khi áp dụng công nghệ giám sát MLAT, VATM sẽ đề xuất kế hoạch triển khai tại các sân bay khác trên cơ sở bám sát kế hoạch kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin dẫn đường giám sát và quản lý không lưu định hướng đến năm 2030 và kế hoạch hàng năm đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt,” ông Gia nhấn mạnh./.