Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất: Nhìn từ Hát Lừu
Việc nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất tại lưu vực Hát Lừu huyện Trạm Tấu thông qua hoạt động lập bản đồ nguy cơ là một bước đi cần thiết và cấp bách và bước đầu đã ghi nhận được hiệu quả của nó trong việc nhận biết rõ vùng an toàn khi có biến cố để di dân và ổn định lâu dài cuộc sống cho người dân và cơ sở hạ tầng của địa phương.

Các chuyên gia của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng lãnh đạo Cục Đê điều và PCTT, văn phòng PCTT tỉnh kiểm tra hệ thống truyền tín hiệu từ thiết bị đo cảm biến trượt lở đất.
Xã Hát Lừu nằm trong khu vực có địa hình đồi núi dốc, với lượng mưa lớn trong mùa mưa. Những năm qua, khu vực này đã ghi nhận nhiều trường hợp lũ quét và sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề.
Theo thống kê, trong trận lũ quét hồi tháng 10 năm 2017, thôn có hơn 20 hộ bị thiệt hại nặng nề; trong đó, nhiều hộ mất người, mất trắng nhà cửa, tài sản và nhiều diện tích ruộng nước bị đất đá vùi lấp. Chưa kể mỗi năm có hàng chục vụ sạt lở đất và lũ quét xảy ra, ảnh hưởng đến giao thông, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp và hàng trăm hộ gia đình. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc nghiên cứu và lập bản đồ nguy cơ để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ đã giúp tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Trạm Tấu nói riêng trong công tác phòng, chống lũ quét và sạt lở đất tại địa phương. Sản phẩm của dự án thực hiện thí điểm tại xã Hát Lừu với các hoạt động lập bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất lưu vực Hát Lừu; lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm trượt lở đất tại thôn Lừu 1; xây dựng kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai lũ quét và sạt lở đất lưu vực Hát Lừu đã giúp chính quyền và nhân dân chủ động phòng tránh, di dời kịp thời tại những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.
Đặc biệt, sản phẩm này đã được thực nghiệm qua cơn bão số 3 YAGI vào tháng 9/2024 được chính quyền địa phương đánh giá rất cao. Sản phẩm bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất lưu vực Hát Lừu là sản phẩm rất quan trọng giúp chính quyền địa phương lồng ghép với kế hoạch phòng chống thiên tai, sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội bền vững tại địa phương, giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ đạt hiệu quả cao, giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Toru KOIKE - Trưởng nhóm chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: "Việc lập bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại Hát Lừu nhằm xác định các khu vực có nguy cơ cao, từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả. Bản đồ này không chỉ là công cụ hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước mà còn giúp người dân nhận thức rõ hơn về rủi ro và cách phòng tránh”.

Đoàn chuyên gia cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng lãnh đạo Cục Đê điều và PCTT, văn phòng PCTT tỉnh kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị cảm biến trượt lở đất tại xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải
Được biết, trước khi triển khai sử dụng sản phẩm bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất các chuyên gia cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khảo sát hiện trường, tiến hành khảo sát thực địa để thu thập dữ liệu về địa hình, địa chất, khí hậu và các yếu tố nguy cơ khác. Sau đó sử dụng các phần mềm GIS để phân tích dữ liệu thu thập được, xác định các khu vực có nguy cơ cao. Từ đó tạo ra bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất dựa trên kết quả phân tích. Cuối cùng đánh giá tính chính xác của bản đồ và điều chỉnh nếu cần thiết dựa trên phản hồi từ cộng đồng và các chuyên gia.
Tuy nhiên, ông Toru KOIKE cũng cho biết một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro là đào tạo cho cán bộ địa phương và người dân về nhận thức rủi ro thiên tai từ đó hình thành tư duy chủ động ứng phó với lũ quét và sạt lở đất.
Ông Trần Anh Văn - Phó phòng Thủy lợi Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết "Để việc phối hợp của các chuyên gia cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với chính quyền và người dân địa phương đạt hiệu quả rất cần có những buổi tập huấn, hướng dẫn về bản đồ nguy cơ trong đó giải thích cách sử dụng bản đồ để lập kế hoạch ứng phó. Đồng thời, qua tập huấn sẽ cung cấp các kỹ năng cần thiết để ứng phó với lũ quét và sạt lở đất”.
Cũng theo ông Văn, việc hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng là rất quan trọng. Các bên có thể phối hợp trong cập nhật dữ liệu về tình hình thời tiết và nguy cơ thiên tai; lập kế hoạch tổng thể cho khu vực, đảm bảo mọi người đều biết cách ứng phó khi có sự cố xảy ra. Trên cơ sở đó xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng như hệ thống thoát nước, đê chắn lũ, và các công trình chống sạt lở là cần thiết để giảm thiểu tác động của lũ quét và sạt lở đất. Các công trình này cần được thiết kế dựa trên bản đồ nguy cơ để đảm bảo hiệu quả.
Việc nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất tại lưu vực Hát Lừu huyện Trạm Tấu thông qua hoạt động lập bản đồ nguy cơ là một bước đi cần thiết và cấp bách và bước đầu đã ghi nhận được hiệu quả của nó trong việc nhận biết rõ vùng an toàn khi có biến cố để di dân và ổn định lâu dài cuộc sống cho người dân và cơ sở hạ tầng của địa phương. Đặc biệt, bản đồ nguy cơ không chỉ giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực. Với tỉnh Yên Bái, địa hình chiếm phần đa là đồi núi, rất cần các cơ quan và ngành chức năng quan tâm, phổ biến ứng dụng này đến các huyện thị khác trong toàn tỉnh. Có như vậy, chắc chắn việc ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được chính quyền và người dân chủ động hơn, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra.