Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên nông thôn
Với mục tiêu nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên, phát huy được vai trò xung kích của thanh niên trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là giúp lan tỏa trong hội viên, thanh niên. Tạo kết nối và nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Sáng ngày 23/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Đề án 844 tổ chức Hội nghị “Vai trò của Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương” và “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp và tăng cường nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp”.
Công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi, các doanh nghiệp cũng chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp hệ sinh thái khởi nghiệp.
Anh Hoàng Tuấn Việt – Chủ nhiệm đề tài: Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST nhận định: “Trong quá trình khảo sát cơ sở, Hội LHTN Việt Nam nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi mà nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa không cho thấy nhu cầu áp dụng các yếu tố ĐMST vào hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn lại chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST qua các hoạt động như đầu tư, cố vấn hay sử dụng dịch vụ, sản phẩm của startup vào chuỗi giải pháp cung cấp ra thị trường, anh Hoàng Tuấn Việt nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, mọi yếu tố từ ý tưởng, thị trường, sản phẩm, môi trường đều quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của các doanh nghiệp chính là vốn. Công ty không có vốn cũng như cơ thể con người không có máu, không thể có sự sống.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn sống trong cảnh “khát” vốn mà khó tìm được nguồn huy động vốn. Đặc biệt, các doanh nghiệp startup có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn nên chưa thể đủ điều kiện được vay vốn từ ngân hàng.
Một số doanh nghiệp tồn tại và hoạt động trong thời gian dài hơn vẫn phải chật vật tìm nguồn vốn từ các kênh khác nhau. Nguyên nhân khiến phần lớn các doanh nghiệp gặp phải tình trạng này là do chủ doanh nghiệp chưa biết cách xây dựng một phương án kinh doanh khả thi chứ chưa nói đến chiến lược nguồn vốn và cấu trúc vốn doanh nghiệp để tạo sự tin tưởng từ các nhà đầu tư.
Chia sẻ tại Hội nghị, anh Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết, thời gian qua, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, tập huấn về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên trên cả nước, giúp các bạn nắm bắt thông tin, định hướng tư duy phát triển các sản phẩm khởi nghiệp tại chính địa phương nơi mình sinh sống; tổ chức Đoàn, Hội các tỉnh, thành phố đã thành lập được các Trung tâm hỗ trợ, tư vấn cho thanh niên khởi nghiệp, các vườn ươm khởi nghiệp cho thanh niên. Đồng thời tổ chức nhiều chương trình tạo môi trường kết nối khởi nghiệp, thu hút các nhà đầu tư. Từ đó, tạo lên một hệ sinh thái khởi nghiệp đầy tiềm năng trong thời đại kinh tế số hiện nay.
Cũng theo anh Quy, trong thời kỳ hiện nay, Việt Nam và thế giới đang có những biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đòi hỏi chúng ta phải có nhiều hoạt động sáng tạo hơn nữa trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đặc biệt là hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra những sản phẩm sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
“Thời gian qua các startup đã và đang gặp nhiều áp lực do ảnh hưởng của Covid-19. Họ cũng đã nhận được sự hỗ trợ về vốn, đầu ra của sản phẩm, sự tư vấn, dẫn dắt từ một số doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển các startup cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ trong việc huy động vốn đầu tư, kết nối thị trường, chuyển giao công nghệ chế biến tiêu chuẩn kỹ thuật cao, miễn giảm, gia hạn nộp thuế...”, anh Nguyễn Kim Quy chia sẻ.
Tham gia Hội nghị hôm nay, bạn Vũ Thị Hiện, Thành viên CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, hiện nay, CLB Khởi nghiệp Thái Bình đã tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ, tọa đàm trực tiếp của các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công; tổ chức khóa học liên quan tới khởi nghiệp cho các bạn thanh niên để các bạn có những ý tưởng, tiến trình và cách thức để khởi nghiệp thành công và hiệu quả. Xuống trực tiếp địa bàn, mô hình để đóng góp ý kiến cho các bạn thanh niên khởi nghiệp hoàn thiện mô hình, sản phẩm.
Cũng theo bạn Hiện việc tổ chức các hội nghị, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm của các thanh niên, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công như hôm nay là điều cần thiết cho các bạn thanh niên đang có ý tưởng khởi nghiệp. Giúp các bạn hoàn thiện hơn nữa cho ý tưởng, sản phẩm của mình và bớt đi thời gian, công sức, tiền bạc của nhà khởi nghiệp trẻ.
Chương trình “Nâng cao năng lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên” năm 2020 diễn ra từ tháng 9 – 12/2020, tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ.
Với mong muốn sẽ phát huy được vai trò xung kích của thanh niên trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hội viên, thanh niên tại vùng nông thôn.