Nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, giảm thiểu khả năng tuồn công nghệ nguồn sang nước thứ 3
Trong thời gian qua, xu hướng dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn...

Cần có khung pháp lý về sở hữu trí tuệ cho hàng hóa công nghệ cao để thu hút FDI về chíp, bán dẫn. Ảnh minh họa.
Để đảm bảo các hoạt động chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các đối tác thương mại lớn đã đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược nhằm nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thương mại chiến lược vừa là nghĩa vụ của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế, cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ an ninh, hòa bình quốc tế.
NÂNG CAO NĂNG LỰC KIỂM SOÁT, THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CHO CÔNG NGHỆ
Việt Nam với vị thế là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất và có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và có diện mặt hàng xuất nhập khẩu đa dạng, càng được quan tâm đề nghị xây dựng khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược, đưa vào các chương trình phối hợp song phương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, thí dụ như Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu EU. Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.
Chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, diễn ra ngày 1/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế”.
Đây cũng là một trong các nội dung mà Bộ trưởng Bộ Công Thương - Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác làm việc tại Hoa Kỳ tháng 3 năm 2025 đã trao đổi với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và các Bộ, ngành liên quan của Hoa Kỳ. Đây là tuyên bố của Việt Nam được hiện thực hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể cấp Chính phủ, thể hiện quyết tâm, mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ một cách bền vững.
Tại cuộc họp Ban soạn thảo, các thành viên Ban soạn thảo là đại diện các Bộ Ngoại giao, Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học Công nghệ và Lãnh đạo các Đơn vị có liên quan đã thống nhất về sự cần thiết ban hành, phạm vi và đối tượng điều chỉnh, cùng như một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định.
TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU VÀ TRUNG CHUYỂN MẶT HÀNG LƯỠNG DỤNG
Cũng trong ngày 1/4/2025, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi.
Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là một văn bản quan trọng nhằm tăng cường giám sát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển các mặt hàng lưỡng dụng (có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự). Nghị định này đề ra khung pháp lý để quản lý chặt chẽ các hoạt động thương mại có liên quan đến an ninh quốc gia và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bảo vệ công nghệ nguồn đang là yếu tố quyết định sự phát triển của nhiều quốc gia.
Dự thảo Nghị định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa có tính lưỡng dụng. Các bộ, ngành liên quan cũng chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện các quy định của Nghị định.
Dự thảo đã đưa ra các quy định Danh mục hàng hóa lưỡng dụng và thẩm quyền phê duyệt, kiểm soát của các Bộ, ngành trực tiếp quản lý. Cụ thể: Bộ Khoa học và Công nghệ: Quản lý hạt nhân, vật liệu đặc biệt, điện tử, máy tính, viễn thông, cảm biến, laser; Bộ Xây dựng quản lý, giám sát hàng không, hàng hải, hàng không vũ trụ; Bộ Y tế: Kiểm soát vật phẩm sinh hóa; Bộ Công Thương: Kiểm soát kim loại, hóa chất.
Để đảm bảo việc kiểm soát thương mại chiến lược được thực thi hiệu quả, Dự thảo Nghị định quy định các doanh nghiệp liên quan phải xây dựng và thực hiện Chương trình tuân thủ nội bộ (ICP- Internal Compliance Program).
Theo đó, Chương trình này bao gồm:
Cam kết trách nhiệm: Chủ doanh nghiệp, các bộ phận và nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về kiểm soát thương mại chiến lược.
Quy trình rà soát người sử dụng cuối và mục đích sử dụng hàng hóa: Doanh nghiệp cần xác minh khách hàng và mục đích sử dụng hàng hóa để tránh vi phạm quy định.
Cập nhật quy định pháp luật: Doanh nghiệp phải liên tục theo dõi, cập nhật các văn bản pháp luật mới nhất về kiểm soát thương mại chiến lược.
Dự thảo Nghị định cũng quy định phải có hoạt động đào tạo nội bộ cho cán bộ, nhân viên liên quan theo định kỳ về quy định và quy trình kiểm soát thương mại chiến lược. Doanh nghiệp phải có hệ thống lưu trữ dữ liệu giao dịch, đảm bảo minh bạch và truy xuất khi cần thiết và có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc nghi ngờ rủi ro.
Doanh nghiệp muốn được công nhận đạt chuẩn ICP phải gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt lên Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị phê duyệt ICP; Bản giải trình hoạt động sản xuất kinh doanh; Mô tả kỹ thuật và quy trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa lưỡng dụng; Hệ thống kiểm soát nội bộ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan để xem xét và đưa ra quyết định phê duyệt trong vòng 05 năm.
Nghị định cũng quy định chế tài xử phạt nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm các quy định về kiểm soát thương mại chiến lược. Các hình thức xử phạt bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền đối với các vi phạm nhẹ; Đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép xuất khẩu đối với vi phạm nghiêm trọng. Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia và thực thi các cam kết quốc tế. Nghị định giúp tạo ra khung pháp lý rõ ràng, đồng thời đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng. Việc tuân thủ chặt chẽ các quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý mà còn nâng cao uy tín trong thương mại quốc tế.
Hàng hóa lưỡng dụng (Dual-Use Goods) là các loại hàng hóa, công nghệ, phần mềm có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự (thương mại, công nghiệp, y tế) và mục đích quân sự (quốc phòng, vũ khí, an ninh). Vì tính chất nhạy cảm này, việc xuất nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng thường bị kiểm soát chặt chẽ theo luật pháp quốc gia và các hiệp định quốc tế.