Vì sao Mỹ áp thuế Việt Nam tới 46%?

Mức thuế 46% mà chính quyền ông Donald Trump dự kiến áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được đánh giá là cao hơn dự đoán của nhiều chuyên gia.

Ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế nhập khẩu mới, áp dụng cho hàng hóa từ hàng chục nền kinh tế trên thế giới. Theo đó, mức thuế được tính toán dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ với từng quốc gia, và thường chỉ bằng một nửa mức thuế mà các nước này áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Chính sách thuế mới của chính quyền ông Trump nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới chuyên gia và chính phủ các nước, đặc biệt là những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam và một số nước châu Á khác.

Cách tính thuế mới của Mỹ: Một công thức gây tranh cãi

Theo bảng thuế do Nhà Trắng công bố, Mỹ dự kiến áp mức thuế nhập khẩu 34% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, 20% đối với EU và 46% đối với Việt Nam. Mức thuế này được cho là chỉ bằng một nửa mức thuế mà các nền kinh tế trên đang áp dụng với hàng xuất khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên, cách tính mức thuế này đang gây ra nhiều tranh cãi. Đặc biệt, mức thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn dự đoán của nhiều chuyên gia, đặt ra câu hỏi về cơ sở tính toán của chính quyền ông Trump.

Một công thức được lan truyền rộng rãi cho rằng mức thuế Mỹ áp lên Việt Nam được xác định bằng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ chia cho tổng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.

Bảng thuế quan được ông Trump công bố vào ngày 3/4.

Bảng thuế quan được ông Trump công bố vào ngày 3/4.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, nhận định chính quyền ông Trump đã áp dụng công thức sau: Thuế quan = (Thâm hụt thương mại song phương)/(Tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó).

Ví dụ, trong năm qua, Việt Nam xuất khẩu 136,6 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ nhưng chỉ nhập khẩu 13,1 tỷ USD từ Mỹ, tạo ra thâm hụt thương mại 123,5 tỷ USD. Nếu chia con số này cho tổng kim ngạch thương mại song phương, kết quả là khoảng 90%. Mỹ coi đây là mức "thuế thực tế" mà Việt Nam đang áp lên hàng hóa Mỹ, do đó quyết định áp thuế nhập khẩu 46% - tức một nửa con số này (90%/2).

Tương tự, đối với Trung Quốc, mức thuế 34% được tính toán từ thâm hụt thương mại khoảng 320 tỷ USD trên tổng kim ngạch thương mại 580 tỷ USD. Nếu theo cách tính này, mức "thuế lý thuyết" của Trung Quốc là 67%, và Mỹ quyết định áp mức thuế bằng một nửa, tức 34%.

Một trợ lý của ông Trump cho biết mức thuế đối ứng được giữ ở mức một nửa thâm hụt thương mại vì ông Trump "muốn thể hiện sự khoan dung và thiện chí với thế giới". Ông này cũng nhấn mạnh rằng các mức thuế đã được Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng tính toán một cách có hệ thống.

Chính quyền ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế

Theo các chuyên gia, mức thuế của Nhà Trắng không chỉ được tính theo công thức toán học đơn giản mà còn bao gồm các yếu tố như thao túng tiền tệ và rào cản phi thuế quan.

Trong bảng thuế suất dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4, chính quyền Trump đã giải thích rằng mức thuế áp dụng không chỉ phản ánh thuế suất danh nghĩa mà còn tính đến các rào cản thương mại mà Mỹ phải đối mặt khi xuất khẩu sang các nước này.

Một điểm đáng chú ý khác trong quyết định lần này là việc chính quyền Trump sử dụng Đạo luật IEEPA 1977 (International Emergency Economic Powers Act - Đạo luật về quyền kinh tế khẩn cấp quốc tế) để tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia.

Theo đạo luật này, Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với tất cả các quốc gia từ ngày 5/4, đồng thời áp thuế đối ứng cao hơn với những nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất từ ngày 9/4.

Mức thuế của Nhà Trắng không chỉ được tính theo công thức toán học đơn giản mà còn bao gồm các yếu tố như thao túng tiền tệ và rào cản phi thuế quan. Ảnh: AP.

Mức thuế của Nhà Trắng không chỉ được tính theo công thức toán học đơn giản mà còn bao gồm các yếu tố như thao túng tiền tệ và rào cản phi thuế quan. Ảnh: AP.

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng các mức thuế quan này sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Donald Trump xác định rằng vấn đề thâm hụt thương mại và các chính sách thương mại bất công bằng đã được khắc phục. Ngoài ra, ông Trump cũng có thể tăng thuế nếu các đối tác thương mại thực hiện các biện pháp trả đũa hoặc giảm thuế nếu họ có động thái nhượng bộ đáng kể.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chính quyền Trump áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nền kinh tế có thể gây ra nhiều hệ lụy.

Trước tiên, nó có thể làm gia tăng chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp Mỹ, từ đó đẩy giá cả tiêu dùng trong nước tăng cao. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh Mỹ vẫn đang vật lộn với lạm phát và tình trạng thiếu hụt lao động trong một số ngành sản xuất.

Ngoài ra, chính sách này cũng có thể khiến các đối tác thương mại của Mỹ áp dụng biện pháp trả đũa, dẫn đến nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại diện rộng.

Những nước bị ảnh hưởng bởi biểu thuế mới có thể sẽ tìm kiếm các giải pháp thương mại khác để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, điều này có thể làm suy yếu vị thế của Mỹ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-my-ap-thue-viet-nam-toi-46-192250403113338329.htm