Nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng (Bài 3)
Bài 3: Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệmSắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả là một chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được sắp xếp, kiện toàn theo hướng thu gọn đầu mối; cơ bản khắc phục được sự chồng chéo, bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, do nhiều mô hình mới chưa có tiền lệ, trong khi hệ thống các văn bản quy định và hướng dẫn việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; khắc phục chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và giảm đầu mối quản lý để tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế chưa kịp thời.
Nói về vấn đề này, ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 18 phát sinh một số khó khăn, vướng mắc khi hệ thống các văn bản của cấp Trung ương chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung; hệ thống các văn bản quy định và hướng dẫn về cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, khung số lượng tổ chức, khung số lượng biên chế được thành lập tổ chức, tỷ lệ số lượng cấp phó so với biên chế được giao chưa được ban hành, làm chậm tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy, làm nảy sinh vướng mắc, bất cập trong bố trí, sắp xếp cán bộ. Việc thực hiện tiêu chuẩn của đơn vị hành chính với tiêu chí về diện tích, dân số, tiêu chí về số hộ gia đình để thành lập bản theo Nghị quyết số 1211/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính chưa phù hợp với tình hình thực tế của các tỉnh miền núi, trong đó có Ðiện Biên. Yêu cầu bắt buộc thực hiện giảm 10% biên chế trong điều kiện tỉnh ta thiếu giáo viên trầm trọng (khoảng 1.500 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non) không phù hợp với yêu cầu thực tiễn… Bên cạnh đó, do Ðiện Biên là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới địa hình chia cắt phức tạp; dân cư sống rải rác, mật độ dân cư thưa thớt; cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc còn nhiều hạn chế, dân trí thấp nên việc sắp xếp đơn vị hành chính để đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành gặp khó khăn. Quy mô số hộ gia đình của thôn, bản, tổ dân phố sau khi sắp xếp, sáp nhập còn hạn chế vì đại đa số các hộ dân là người dân tộc thiểu số, có phong tục tập quán và văn hóa dân tộc khác nhau, mặt khác địa hình chia cắt, thậm chí có những bản nằm riêng biệt nên không thể sắp xếp, sáp nhập.
Bên cạnh những nguyên nhân tới từ các yếu tố khách quan, thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận việc sáp nhập các thôn, bản của các xã, thị trấn tại các địa phương trong tỉnh đạt tỷ lệ thấp mà có phần nguyên nhân đến từ nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên tại cơ sở vì tư tưởng chưa thông nên triển khai thực hiện chưa hiệu quả, dẫn đến việc tuyên truyền vận động, giải thích để nhân dân trên địa bàn hiểu, đồng thuận chưa cao. Ðơn cử, việc sáp nhập các bản, khối phố tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuần Giáo đến thời điểm này cũng chưa đem lại kết quả như mong đợi. Sau khi thực hiện quy trình, các bước sáp nhập, lấy ý kiến cử tri; huyện chỉ có thể đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ thực hiện sáp nhập và công nhận 9 bản thành lập mới do sáp nhập. Như vậy sẽ chỉ giảm được 8 bản từ 237 bản, khối xuống còn 229 bản, khối. Ðiều đáng nói Tuần Giáo là một trong những địa phương của tỉnh có tỷ lệ thấp nhất đề nghị sáp nhập bản, khối dưới 50% quy mô số hộ (dưới 75 hộ) phải sáp nhập nhưng đến nay chưa thể thực hiện với lý do cử tri không đồng ý (67 bản, khối phố). Trao đổi về vấn đề này, ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Những bản này dù đã được các xã, thị trấn đưa vào phương án sáp nhập với bản liền kề thuận lợi nhất, nhưng khi tiến hành lấy ý kiến cử tri tại mỗi bản theo quy định thì tỷ lệ cử tri đồng ý đạt dưới 50% ở 1 trong 2 bản hoặc ở cả 2 bản dự kiến sáp nhập. Do đó, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì không thể thực hiện việc sáp nhập các bản này theo phương án của các xã, thị trấn.
Thực trạng này diễn ra không chỉ ở nhiều bản, khối ở huyện Tuần Giáo mà không phải là hiếm ở các địa phương khác trong tỉnh. Ðể tìm hiểu rõ việc này, chúng tôi tới bản Nát (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo) - 1 trong số 67 bản của huyện không thực hiện theo phương án sáp nhập với lý do cử tri không đồng ý. Ông Lò Văn Tiến, Trưởng bản Nát thông tin: Theo phương án của xã Quài Cang, bản Nát sáp nhập với bản Côm. Trước đây 2 bản này là 1 và chỉ mới được tách ra năm 2015. Dù cán bộ bản đã tuyên truyền, vận động nhưng qua tổ chức lấy ý kiến thì chỉ 1/62 hộ đồng ý với phương án này. Qua nắm tâm tư, những hộ không đồng ý cho rằng việc sáp nhập ảnh hưởng đến việc chia lại đất sản xuất hoặc vừa mới tách được vài năm nên không thích nhập lại... Tương tự qua 2 lần lấy ý kiến tại bản Côm thì cũng chỉ có 1/67 hộ đồng ý với phương án sáp nhập này.
Người dân chưa nhận thức rõ, hiểu được ý nghĩa của việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố là một trong những nguyên nhân khiến bà con không đồng thuận theo phương án sáp nhập của chính quyền xã, thị trấn trong thời gian qua. Bên cạnh nguyên nhân do trình độ nhận thức của người dân thì cũng phải thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân trong thực hiện sáp nhập của cán bộ một số xã; thôn, bản tại một số địa phương còn hạn chế.
Không chỉ trong việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố mà một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 18, như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức về đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; lúng túng trong việc cụ thể hóa nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy thành nghị quyết, quy chế, quy định, chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện. Năng lực quản lý, điều hành, tinh thần trách nhiệm người đứng đầu một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa cao, còn tư tưởng ngại đổi mới. Không ít cấp ủy đảng và bí thư cấp ủy, đặc biệt ở cấp cơ sở còn thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… đều có phần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên chưa làm tốt công tác tuyên truyền, “đả thông tư tưởng” dẫn đến việc chậm trễ, chưa đáp ứng tiến độ, yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra trong thực hiện Nghị quyết số 18.
Thiết nghĩ, những khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18 đến từ việc thực hiện các quy định của pháp luật thì cần sự hướng dẫn, tháo gỡ của cấp trên; nhưng với những phần việc, nội dung có thể làm được và làm ngay mà chưa đáp ứng được yêu cầu thì cần xem xét và tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để có thể khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; kịp thời nhân rộng cách làm hay mô hình mới để các địa phương trong tỉnh trao đổi, học hỏi. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ và góp phần thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; từ đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương như mục tiêu Nghị quyết số 18 đặt ra.