Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ cấp xã

Bài 1
VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG, ĐẢNG BỘ CẤP XÃ

*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, cùng với những biến đổi phát triển kinh tế - xã hội, tình hình chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đội ngũ đảng ủy viên của các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), đảng bộ cấp xã thuộc các đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh có những biến đổi sâu sắc về giác ngộ chính trị, trình độ học vấn, tâm lý tình cảm… Trong những biến đổi ấy có nhiều mặt phát triển tiến bộ nhưng cũng có mặt, yếu tố chưa đáp ứng. Đáng lo ngại nhất là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống.

Chính điều đó đòi hỏi cao đối với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, đảng bộ cấp xã thuộc các đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn hiện nay, nếu không được nâng lên một trình độ mới thì sẽ không đáp ứng được vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các TCCSĐ, đảng bộ và nhu cầu nhận thức nhiều mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, có nhiều điểm sáng. Hoạt động thương mại và dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ nhân dân; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo, các đối tượng chính sách; công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử đạt kết quả tích cực…

Trong những năm tới, nhiệm vụ lãnh đạo của các TCCSĐ, đảng bộ các cấp có sự phát triển mới; các TCCSĐ, nhất là đảng bộ cấp xã có nhiệm vụ lãnh đạo rất quan trọng cần tập trung vào xây dựng và quản lý đô thị, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế tập trung các xã biên giới, dân tộc thiểu số, giữ vững ổn định chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường gắn kết ý Đảng, lòng dân trên địa bàn tỉnh… Do vậy, yêu cầu bao trùm trong hoạt động lãnh đạo của các TCCSĐ, chi bộ, đảng bộ cấp xã là bảo đảm đảng bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị, bảo đảm cho địa phương luôn giữ vững ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các cấp ủy đảng phải có khả năng nghiên cứu, xây dựng nghị quyết đúng đắn và lãnh đạo, tổ chức đưa nghị quyết vào cuộc sống… Đó là những nhân tố trực tiếp tác động đến nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCSĐ, đảng bộ cấp xã thuộc đảng bộ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay.

Thực hiện Quy định số 127-QĐ/TW ngày 1-3-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, những năm qua, đa số TCCSĐ thuộc đảng bộ các huyện, thị, thành ủy trên địa bàn Bình Phước đã giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai và bước đầu đem lại kết quả tích cực, dân chủ trong Đảng.

Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở được chăm lo. Ðội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tăng thêm về số lượng và chất lượng; trình độ, kiến thức các mặt được nâng lên. Nhiều cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên đã được rèn luyện, thử thách, trưởng thành qua thực tiễn công tác; kiên định lập trường giai cấp công nhân, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Ðảng; gương mẫu thực hiện quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, nhiều cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có phẩm chất, năng lực tốt, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Công tác kết nạp đảng viên được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo và đạt một số kết quả tích cực.

Tiếp tục đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đồng thời, kiên định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đáp ứng tình hình chính trị hiện nay và tạo điều kiện tiền đề thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, nhận thức đúng: Những thành tựu, hạn chế tác động đến nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ cấp huyện trên địa bàn Bình Phước hiện nay là vấn đề rất quan trọng.

Thành tựu của hơn 26 năm từ khi tái lập tỉnh cùng với đổi mới đồng bộ, toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã đem lại cho tỉnh sự phát triển trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thành tựu đó đã ảnh hưởng tích cực đến công tác xây dựng Đảng, thiết thực góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, tin tưởng mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được còn không ít khó khăn, thách thức phải vượt qua, như “nền kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp”. Đặc biệt là những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng...

Tình hình nêu trên đặt ra những thách thức không thể xem thường đối với công tác xây dựng Đảng, đòi hỏi toàn Đảng, cũng như mỗi chi bộ, tổ chức đảng ở Đảng bộ Bình Phước phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; đặc biệt phải coi trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể là lãnh đạo thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn sản xuất với chế biến nông sản hàng hóa. Khơi dậy và phát huy được nhiều nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của địa phương, có biện pháp khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn. Thực hiện có kết quả mục tiêu giảm nghèo, tăng hộ giàu; phát huy dân chủ, tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và đảm bảo công bằng xã hội; thực hiện tốt chương trình y tế cộng đồng, truyền thông dân số, đạt hoặc vượt các chỉ tiêu về kế hoạch hóa gia đình; xây dựng gia đình, thôn, ấp văn hóa…

Lãnh đạo tốt việc nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động của HĐND. Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện của UBND, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân… Lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân tham gia tích cực vào việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn bó với dân.

Lãnh đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng”, khiếu kiện kéo dài, những hành động gây rối, vi phạm pháp luật, giải quyết tốt những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Hoàn thành tốt các chỉ tiêu tuyển quân, làm tốt chính sách hậu phương quân đội và các nhiệm vụ quân sự địa phương, xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn xã.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đấu tranh có hiệu quả chống các quan điểm, tư tưởng và hành động trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ tổ chức đảng; có biện pháp đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; lãnh đạo và thực hiện tốt công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, sự thoái hóa về đạo đức, lối sống. Làm tốt công tác tổ chức, cán bộ, quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ. Làm tốt công tác đảng viên, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đảng viên.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/141285/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-suc-chien-dau-cua-chi-bo-dang-bo-cap-xa